Phiên giảm điểm hôm nay đã "thổi bay" thêm 90.920 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về khoảng 4.548.000 tỷ đồng.
HoSE hiện có 402 doanh nghiệp niêm yết, giảm hai doanh nghiệp so với cuối năm ngoái. Vietcombank (VCB) đứng đầu về giá trị vốn hoá với 349.000 tỷ đồng, giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với những phiên giao dịch đầu năm. Xếp tiếp theo trong danh sách vốn hoá là Vinhomes (VHM) 228.000 tỷ đồng và Vingroup (VIC) 224.000 tỷ đồng.
Theo VNExpress, trong trường hợp VN-Index không thể hồi phục mạnh trong ba tháng tới, cộng thêm không có các đợt niêm yết lớn, đây sẽ là năm đầu tiên giá trị vốn hoá đi lùi trong một thập kỷ.
Về phiên hôm nay, áp lực cung xuất hiện ngay từ những phút đầu tiên khi hàng loạt lệnh bán giá thấp được đẩy lên bảng điện. Tuy nhiên, VN Index vẫn được kéo lên mốc 1.160 điểm khi nhiều mã CP có vốn hóa lớn nhận được lực cầu bắt đáy.
Tuy nhiên đến phiên chiều, ở thời điểm 14 giờ, các nhà đầu tư cổ phiếu nhóm VN30 đồng loạt “thoát hàng” khiến nhóm cổ phiếu trụ này bị “gãy”.
Việc này khiến cho các nhà đầu tư ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoảng loạn bán tháo. Làn sóng bán tháo khiến cho VN Index “thủng” mốc 1.150 điểm ngay trước đợt khớp lệnh ATC.
Kết phiên hôm nay (28/9), VN Index giảm 22,92 điểm (tương đương 1,96%) xuống 1.143,62 điểm. Đây là mức điểm đóng cửa thấp nhất của VN-Index trong vòng gần 20 tháng (kể từ phiên 9/2/2021.
Theo thống kê từ Stockq, mức giảm gần 2% trong phiên 28/9 đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất châu Á hôm nay.