Việt Nam rộng đường chinh phục ngành sản xuất chip bán dẫn

Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng to lớn trong lĩnh vực sản xuất chip, một ngành sản xuất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với rất nhiều yếu tố thuận lợi.
Sputnik
Trước mắt, Việt Nam cần đàm phán với các nước để đạt được thoả thuận hỗ trợ chuyển giao công nghệ, qua đó tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất linh kiện bán dẫn.

Việt Nam được lòng các ông lớn sản xuất chip

Việt Nam hiện đang xếp thứ 9 thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Với thế mạnh này, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel hay Samsung đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam.
Trước đó, ông lớn Intel đã chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của công ty, với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Nhà máy này được cho là chiếm đến 70% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.
Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết, có 3 yếu tố quan trọng nhất để Intel lựa chọn sản xuất ở Việt Nam. Các yếu tố đó bao gồm môi trường chính trị xã hội rất ổn định, sự mở rộng các Hiệp định thương mại tự do và nguồn lao động dồi dào.

“Để chuẩn bị cho bước tiến sâu hơn vào sản xuất chip, Việt Nam cần lên kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng tôi không chỉ cần các kỹ sư đại học mà cả cấp độ thạc sỹ và tiến sĩ nữa. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ cũng rất quan trọng”, - đại diện Intel cho biết.

Ngoài Intel, các ông lớn khác như Samsung, LG hay Apple đều đặt nhà máy và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam. Samsung thậm chí đã có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7 năm sau, với số vốn đầu tư thêm là 920 triệu USD.
Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư 1,6 tỷ USD. Một công ty Hàn Quốc khác là Hana Micron cũng có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, một số công ty khác như: Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion… cũng tham gia cuộc chơi với quy mô dự án khá nhỏ.
Theo một báo cáo của Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% mỗi năm.
FPT sản xuất thành công chip "Make In Vietnam"

Rộng cửa cho Việt Nam và thị trường Đông Nam Á

Ông Dominic Brown, Giám đốc thông tin và phân tích thị trường khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield đánh gia, việc nhiều công ty quyết định đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam cho thấy Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của lĩnh vực điện tử trên thế giới.

“Hãy tạo ra một nhóm cốt lõi gồm các công ty đa quốc gia nổi tiếng trong ngành điện tử, tận dụng thế mạnh đó để tiếp tục thu hút thêm những khoản đầu tư mới vào lĩnh vực này”, - ông Brown khuyến nghị.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa ban hành Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền công nghiệp sản xuất chip của nước này, các ý kiến cho rằng những nước như Việt Nam sẽ có cơ hội để tham gia và phát triển.
Ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), khẳng định, chỉ một mình nước Mỹ thì sẽ không thể tự khôi phục ngành công nghiệp sản xuất chip. Thuật ngữ "friend-shoring" ra đời với ý nghĩa chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hoá về các nước thân thiện đã cho thấy tầm quan trọng của nó.

“Chúng tôi cần làm việc với một số đối tác quan trọng như Việt Nam để tăng thị phần của sản xuất chip, lắp ráp và đóng gói ở bên ngoài các vùng địa chính trị không ổn định. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đón nhận khoản đầu tư nhiều hơn nữa”, - ông Goodrich nói.

Theo nhà phân tích Gu Wenjun của Xinmou Research, lợi thế của Việt Nam nằm ở thị trường lao động rộng lớn và giá đất rẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hấp dẫn bởi môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do. Dù vậy, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành bán dẫn Việt Nam là thiếu lao động tay nghề cao.
Sau đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là các nước thuộc ASEAN được xem là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch.
Trong nhóm này, mỗi nước lại có thể mạnh riêng. Ví dụ, Malaysia và Singapore là những nước dẫn đầu khu vực về sản xuất tấm wafer và thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia mạnh về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan có ưu thế về phần mềm kỹ thuật.
Việt Nam trước cơ hội trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang rộng đường đến với cuộc đua sản xuất chip toàn cầu.
Trước mắt, Việt Nam cần đàm phán với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. để đạt được thoả thuận hỗ trợ chuyển giao công nghệ, qua đó tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn.
Thảo luận