Ngoài ra, trong số 36 nhà cung cấp nước ngoài, có nhiều tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu thế giới cũng đã thực hiện khai thuế tại Việt Nam như Google, Meta* (công ty mẹ của Facebook), Microsoft, Netflix, TikTok…
Cùng với đó, Việt Nam là một trong 4 nước ASEAN đi đầu trong việc mở cổng thông tin điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài tự động kê khai.
Apple đã đăng ký khai thuế tại Việt Nam
Chiều 29/9, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2022 của Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết từ ngày 21/3, Việt Nam đã mở cổng kê khai thuế (Etaxvn.gdt.gov.vn) cho các nhà cung cấp nước ngoài thay cho các cá nhân tại Việt Nam có khoản doanh thu phát sinh.
“Việt Nam là một trong 4 nước ASEAN đi đầu trong việc mở cổng thông tin điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài tự động kê khai”, ông Chi nói.
Cũng từ ngày 21/3 đến nay, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai thuế sau khi đã được cơ quan thuế tuyên truyền, gửi thư ngỏ đến trụ sở của tập đoàn quốc tế này.
Ông Minh cho biết thêm, trong 36 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã thực hiện kê khai thuế như: Meta* (công ty mẹ của Facebook), Google, Microsoft, Netflix, TikTok…
“Đặc biệt trong những ngày vừa qua, sau một thời gian trao đổi và được cơ quan thuế hỗ trợ, Apple đã chính thức việc thực hiện kê khai thuế tại Việt Nam”, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Nộp thay các cá nhân Việt Nam gần 500 tỷ đồng
Tại họp báo của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cũng thông tin tính từ 21/3 đến nay, các nhà cung cấp nước ngoài đã tạm nộp thay thuế cho các cá nhân đối tác tại Việt Nam gần 500 tỷ đồng.
“Nếu cộng các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, con số này đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng chỉ riêng qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính”, ông Minh nói.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 3/2022, trả lời chất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021 thì các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỷ đồng.
Trong đó, một số tập đoàn lớn như Facebook đã nộp là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng.
Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020.
Tự giác nộp thuế
Như vậy, tính đến nay, 6 nhà cung cấp nước ngoài chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam là Meta*, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple đều đã thực hiện nộp thuế.
Như Sputnik đã thông tin, ngày 21/3, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã chính thức công bố, vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài tại địa chỉ (https://etaxvn.gdt.gov.vn/).
Sau khi Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài đi vào vận hành, tất cả các giao dịch từ đăng ký, kê khai, nộp thuế… được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thông qua cổng thông tin và các nhà cung cấp ở nước ngoài không phải nộp hồ sơ bản cứng đến cơ quan thuế Việt Nam.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng cho biết 9 tháng đầu năm, những đối tượng nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đều có ý thức “tự giác kê khai, nộp thuế” theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng lưu ý, cơ quan thuế đã tăng cường quản lý thuế và đưa vào diện quản lý thuế nhiều các cá nhân, tổ chức có kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử để tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng trốn thuế.
* Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì là tổ chức cực đoan.