Theo nguồn tin của TTXVN, trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã có cuộc chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Wolfgang Sobotka, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg, gặp Bộ trưởng Kinh tế và Lao động Martin Kocher, Bộ trưởng Liên minh châu Âu và Hiến pháp Karoline Edtstadler, dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Áo và tham gia một số sự kiện văn hóa, kinh tế trong khuôn khổ sự kiện “Ngày Việt Nam tại Áo 2022.”
Tại các cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước, bày tỏ ấn tượng với các thành tựu tốt đẹp của quan hệ hai nước; thống nhất các biện pháp để mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.
Các lãnh đạo Áo nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đồng thời khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Áo trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng tái tạo, y tế...
Nhờ tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kim ngạch thương mại song phương năm 2021 giữa Việt Nam-Áo đạt 3,35 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm 2020.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Chính phủ Áo có tiếng nói ủng hộ, thúc đẩy Quốc hội Áo sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đồng thời ủng hộ EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư-kinh doanh thương mại hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Hai bên cũng trao đổi về việc mở rộng hợp tác hai nước sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, hai Bộ trưởng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc và thúc đẩy khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN- EU.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.