Được mệnh danh là “Vua tốc độ”, sau 4 phần thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích, Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định năng lực xuất sắc, tốc độ chơi, đưa ra đáp án nhanh, chính xác và giành chiến thắng trong trận chung kết năm 2022 và nhận được vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2022.
Đường lên đỉnh Olympia 2022: Đặng Lê Nguyên Vũ vô địch
Sáng ngày 2/10, chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 khép lại sau 4 phần thi gay cấn và nam sinh Đặng Lê Nguyên Vũ đến từ Thái Bình đã trở thành quán quân năm thứ 22 của một trong những cuộc thi tri thức hàng đầu Việt Nam.
Xuất sắc dẫn đầu ở cả 3 phần thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và vượt qua phần thi Về đích, Đặng Lê Nguyên Vũ đã giành chiến thắng chung cuộc trong trận chung kết năm đầy cảm xúc của Đường lên đỉnh Olympia 2022 và nhận được vòng nguyệt quế, cúp kỷ niệm cùng phần thưởng trị giá 40.000 USD, cơ hội du học nước ngoài.
Các thí sinh giành giải Nhì (Vũ Nguyên Sơn (học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) và giải Ba (Bùi Anh Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La) nhận giải thưởng trị giá 100 và 50 triệu đồng, đồng thời nhận được bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi bước vào phần thi chung kết, Đặng Lê Nguyên Vũ (học sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà - Thái Bình) đã liên tục dẫn đầu trong 3 phần thi. Ở phần thi Khởi động, nam sinh giành được 70 điểm. Ở phần Vượt chướng ngại vật, dù không trả lời được từ khoá cần tìm “Tiêu lệnh chữa cháy” nhưng Nguyên Vũ vẫn dẫn đầu với 105 điểm. Phong độ xuất sắc tiếp tục được nam sinh Thái Bình thể hiện ở phần thi tiếp theo - Tăng tốc. Liên tục trả lời đúng và nhanh nhất, Nguyên Vũ dẫn đầu với 175 điểm.
Ở phần thi về đích, Đặng Lê Nguyên Vũ đã chọn gói 3 câu 20 - 20 - 20 điểm. Câu hỏi đầu nam sinh gốc Thái Bình trả lời chính xác. Ở câu hỏi thứ 2, Nguyên Vũ dùng ngôi sao hy vọng nhưng chưa trả lời chính xác. Đến câu hỏi cuối cùng, thí sinh tiếp tục đưa ra đáp án chưa chính xác. Kết thúc vòng thi Về đích nam sinh này có 175 điểm.
Trong quá trình thi, Nguyên Vũ giành được điểm trong gói câu hỏi của Đình Tùng thuộc lĩnh vực Toán học. Nếu trả lời sai, người giành vòng nguyệt quế là Nguyên Sơn. Không khí trường quay bỗng nín lặng, cho đến khi MC công bố “Nguyên Vũ vô địch” thì tất cả trở nên vỡ oà, còn ở điểm cầu Thái Bình nhiều người không kìm được nước mắt xúc động. Đạt thêm 30 điểm, Nguyên Vũ có tổng 205, dẫn đầu trận chung kết. Kết quả chung cuộc, Chung cuộc, Nguyên Vũ đứng thứ nhất với 205 điểm. Đứng thứ hai là Nguyên Sơn 185 điểm. Anh Đức đứng thứ ba với 75 điểm và đứng thứ tư là Đình Tùng 35 điểm.
Trước đó, 4 thí sinh bước vào chung kết Đường lên đỉnh 2022 gồm các em: Vũ Bùi Đình Tùng (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú - Hải Phòng, giành chiến thắng cuộc thi Quý 2 với 310 điểm); Vũ Nguyên Sơn (học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, giành vòng nguyệt quế cuộc thi Quý 4 với tổng điểm 170); Bùi Anh Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La, giành chiến thắng ở cuộc thi Quý 3 với 185 điểm). Đặng Lê Nguyên Vũ đến từ trường THPT Bắc Duyên Hà, tỉnh Thái Bình được mệnh danh là “Vua tốc độ" bởi tốc độ chơi và đưa ra đáp án nhanh, chính xác ở các cuộc thi tuần, tháng, quý của Đường lên đỉnh Olympia 2022.
Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2022 Đặng Lê Nguyên Vũ là ai?
Trong số 4 thí sinh dự Đường lên đỉnh Olympia 2022 năm nay, chỉ có duy nhất mình thí sinh Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 2005, Trường THPT Bắc Duyên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) không phải là học sinh trường chuyên.
Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là học sinh đầu tiên ở Thái Bình trở thành quán quân Olympia về Thái Bình sau 21 năm. Sở trường của Đặng Lê Nguyên Vũ là môn Toán và tiếng Anh cùng với khả năng đọc, ghi nhớ và tư duy rất nhanh nên nam sinh này còn được biết đến với biệt danh “vua tốc độ” trong hành trình chinh phục đỉnh Olympia.
Theo chia sẻ của Vũ, ước mơ chinh phục Olympia bắt đầu từ khi theo dõi trận chung kết năm thứ 11 vì thấy các anh chị rất ngầu lại được nhiều người vỗ tay. Tuy nhiên, tới năm họclớp 7-8 thì cậu đánh mất đam mê này cho đến trận chung kết năm thứ 20 của Olympia. Theo Vũ, vì liên tiếp thất bại ở nhiều kỳ thi như không giành giải học sinh giỏi, không đỗ trường chuyên, nên em cảm thấy nghi ngờ năng lực bản thân.
“Em đã buồn rất lâu và trải qua thời gian dài chán nản, nghi ngờ bản thân”, Vũ nhớ lại và cho hay, thời điểm đó, trận chung kết Olympia năm thứ 20 diễn ra.
Cứ thế, Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, đến năm thứ 20 của Đường lên đỉnh Olympia vừa qua thì em mới bắt đầu chuẩn bị nghiêm túc cho giấc mơ chinh phục vòng nguyệt quế nên quyết định đăng ký với nhà trường để được tham gia cuộc thi nổi tiếng khắp Việt Nam này.
Vũ chia sẻ, vì sinh ra trong gia đình có bố là bộ đội, mẹ làm cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội nên phong thái cùng tính cách của người bố ảnh hưởng rất nhiều đến Vũ với sự quyết đoán, ý thức tự giác trong học tập.
Để chuẩn bị ôn tập, Đặng Lê Nguyên Vũ chủ động tham gia các hội nhóm, cộng đồng học sinh đã và muốn tham dự Olympia trên Internet. Vũ đăng ký các trận đấu tập và lên chiến thuật tự ôn luyện. Nam sinh Thái Bìnhtrau dồi kiến thức cơ bản và nâng cao thông qua sách giáo khoa và ưu tiên phần này, sau đó tích lũy hiểu biết xã hội bằng tin tức trên báo đài, mạng internet.
Đặc biệt, hồ sơ ký tham dự Đường lên đỉnh Olympia yêu cầu mỗi trường chỉ giới thiệu duy nhất một học sinh. Ứng viên phải đạt học sinh giỏi lớp 10 và học kỳ I lớp 11, hạnh kiểm tốt mọi kỳ. Trong bản đăng ký, Vũ chia sẻ cả những thất bại và lo lắng hồ sơ của mình “không thú vị như nhiều bạn khác”.
Tuy nhiên, tới cuối tháng 9, Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận được giấy mời tham dự, ghi hình đợt đầu tiên.
“Em đã hét lên sung sướng, không thể vui hơn được nữa. Em rất bất ngờ mình được gọi sớm thế”, Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ.
Vô địch tuần, rồi cuộc thi tháng, sau đó em có khoảng 1 tháng để chuẩn bị cho thi quý, Đặng Lê Nguyên Vũ llao vào ôn luyện. Vũ cho biết, em xem lại các trận đấu của Olympia và đọc nhiều sách hơn. Buổi tối, em cũng chia lại thời gian học, dành ba phần tư cho Olympia vì tính chất quan trọng của vòng thi. Sau đó, Đặng Lê Nguyên Vũ giành 300 điểm, chiến thắng cách biệt và chính thức giành suất thi đấu trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2022.
Đặng Lê Nguyên Vũ được đánh giá, càng thi đấu càng hay. Em tự tin và quyết đoán, suy nghĩ, tư duy nhanh, trả lời tốc độ, chính xác.
Dù không phải học sinh trường chuyên, nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ không xem đây là bất lợi. Vũ nghĩ mình có lợi thế nhất định vì thời gian học trải đều các môn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì sở trường là Toán và Tiếng Anh, nên em đang cân nhắc theo đuổi khối A00 (Toán, Lý, Hoá) hoặc A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).
“Không bất ngờ”
Vô cùng xúc động và ấn tượng trước thành tích mà cậu học trò đã đạt, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THPT Bắc Duyên Hà chia sẻ, thực ra, cô và các thầy cô trong trường không bất ngờ với thành tích của Vũ.
“Nguyên Vũ là một học sinh có trí nhớ rất tốt, học đều tất cả các môn”, cô Yến nói và cho hay, ở lớp, Vũ là học sinh ngoan và là một lớp trưởng luôn gương mẫu.
Nữ giáo viên cũng cho biết, Vũ là học sinh giỏi nhiều năm liền và từng thi học sinh giỏi toán, giành huy chương vàng Olympic tiếng Anh năm 2016. Ngoài khả năng tư duy nhanh ở những môn tự nhiên, lượng kiến thức hiểu biết về xã hội của Vũ cũng rất rộng, cộng thêm sự cố gắng, nỗ lực rèn luyện và chuẩn bị tốt, vòng nguyệt quế đến với em là xứng đáng.
Nhà trường, thầy cô và các bạn đều rất vui khi Vũ đã mang về cầu truyền hình Olympia đầu tiên cho tỉnh Thái Bình sau 21 năm và là nam sinh Thái Bình đầu tiên không học trường chuyên vô địch Olympia.
Theo cô Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Duyên Hà, cô và các thầy cô trong trường đều rất xúc động khi lần đầu tiên điểm cầu chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 về Thái Bình.
“Đây là động lực tiếp sức cho học sinh nhà trường phấn đấu học tập, thêm yêu mái trường”, cô Ngân nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Duyên Hà cho biết, để tiếp sức cho Đặng Lê Nguyên Vũ, huyện Hưng Hà đã chuẩn bị sân khấu với diện tích gần 300m² trải 100 chiếc chiếu hoa cùng với nhạc cụ chèo, cờ quạt ngũ sắc đặc biệt nhằm tái hiện một kỳ thi sát hạch nhân tài khắt khe dưới thời nhà bác học Lê Quý Đôn.
Đồng thời, Trường THPT Bắc Duyên Hà đã quy tụ được 500 học sinh tham gia văn nghệ và thành lập đội cổ vũ với 2.500 học sinh tại điểm cầu ở Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. Quá tự hào khi Đặng Lê Nguyên Vũ vô địch.
Chia sẻ bí quyết học tập và ôn luyện thi Olympia, Nguyên Vũ cho biết em không có phương pháp nào quá nổi bật, chỉ là tập trung trên lớp, có điều gì mới hoặc thú vị thì ghi lại và chăm xem thời sự, báo chí để bổ sung kiến thức xã hội từ nhiều nguồn. Vũ cũng cho rằng, bản thân không quá chăm chỉ, nhưng sự cố gắng, tự kỷ luật là cần thiết.
“Em luôn cố gắng sắp xếp thời gian để học và làm việc nhanh, để giải quyết được nhiều việc hơn, thu được nhiều kiến thức hơn”, Đặng Lê Nguyên Vũ nói.