Theo Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu lá sắn, lá chuối, khoai lang thu về đến hơn 6 triệu USD.
Ắt hẳn, thông tin này khiến không ít người bất ngờ vì đây đều là những thứ được cho là ‘hạ phẩm’ chỉ đốt bỏ đi hoặc tận dụng dùng làm thức ăn cho gia súc gia cầm ở Việt Nam.
Tưởng phế phẩm lại đem về triệu đô
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tham chiếu số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu các loại lá sắn, lá tre, khoai lang, lá chuối của Việt Nam thu về 6,059 triệu USD.
Động lực tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu này được phục hồi với mức tăng 4,4 % so với cùng kỳ.
Cụ thể, xuất khẩu lá sắn của Việt Nam thu về 1,6 triệu USD. Tiếp đó là lá tre đem về cho đất nước 1,1 triệu USD.
Lá chuối, lá khoai lang và lá diễn thu về lần lượt là 0,84 triệu USD, 0,52 triệu USD và 0,35 triệu USD. Trong khi, các loại lá khác của Việt Nam xuất khẩu đạt 1,66 triệu USD.
Đáng lưu ý, trong tháng 8/2022, hai loại lá được ghi nhận mức tăng trưởng đột biến là lá sắn và khoai lang.
Số liệu thống kê cho thấy, lá sắn thu về 291.000 USD, tăng 101,3% và lá khoai lang thu về 93.000 USD, tăng 115,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, các loại lá tre, chuối, lá khác đều tăng trưởng ở mức hai con số, riêng lá diễn ghi nhận mức giảm 25% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu rau quả giảm
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ước tính trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9/2021.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong khi quả thanh long xuất khẩu với trị giá lớn nhất giảm mạnh, thì xuất khẩu quả chuối và sầu riêng có trị giá tăng mạnh trong 8 tháng năm 2022.
Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu. Trong 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu chủng loại này đạt 660,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
“Đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp”, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả Việt Nam
Dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng trong đánh giá trước đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tin tưởng rằng, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc.
Hiệp hội này cho rằng, kim ngạch bình quân khoảng 250-260 triệu USD/tháng và dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả Việt Nam.
Cơ sở để Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra nhận định này chính là việc, thời gian qua, một số loại trái cây mũi nhọn của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính, tiêu chuẩn và có giá trị cao như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia …
Trong đó, hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa.
Ngoài ra, có hai quốc gia đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam cũng đã xuất khẩu các loại quả tươi như thanh long, xoài, vải và nhận được phản hồi tích cực thời gian qua.
Cùng với đó, nhiều công ty xuất khẩu của Việt nam cũng đang chuyển hướng sang các thị trường châu Âu vì các sản phẩm rau quả được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA) .
Đồng thời, theo Hiệp hội, đây cũng chính là các thị trường có nhu cầu ngày càng lớn đối với rau quả nhiệt đới như thế mạnh của Việt Nam.