‘Trong số nhà cung ứng của Apple, không có tên tuổi nào của Việt Nam’

Apple tăng số đối tác có nhà máy tại Việt Nam. Theo đó, gã khổng lồ xứ Cuppertino hiện có 25 đối tác cung ứng đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
Sputnik
Từng được đánh giá là ‘đối thủ’ có thể cạnh tranh thu hút FDI với Trung Quốc trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất điện tử, tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại để thay thế vị thế công xưởng sản xuất toàn cầu. Rõ nhất, trong danh sách đối tác cung ứng của Apple, không có tên tuổi nào của Việt Nam cả.
Mặc dù vậy, theo ý kiến chuyên gia, nếu đạt thành công trong ngành công nghiệp sản xuất thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành đối thủ nặng ký đối với các nhà sản xuất trong khu vực như Oppo của Trung Quốc hay công ty chế tác chip Silterra của Malaysia.

Apple tăng số đối tác có nhà máy ở Việt Nam lên 25

Apple đang dần bổ sung thêm nhiều địa điểm sản xuất tại Hoa Kỳ, tập trung vào California, đồng thời đang cố gắng chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Apple vừa công bố danh sách nhà cung cấp, đối tác cung ứng cho năm tài chính 2021(kết thúc vào tháng 9/2021).
Danh sách này cho thấy 48 trong số 180 nhà cung cấp của Apple đã chuyển một số hoạt động sang Mỹ kể từ tháng 9 năm 2021. Mức chuyển dịch ngược về Mỹ cũng tăng lên từ 25 nhà cung cấp vào năm 2020.
Không phải ngẫu nhiên Samsung, Intel hay Apple chọn Việt Nam
Báo cáo Apple vừa công bố gồm 180 công ty, chiếm 98% chi phí trực tiếp cho vật tư, sản xuất và lắp ráp của “gã khổng lồ xứ Cupertino” trên toàn cầu.
Trong số này, 25 đối tác có nhà máy tại Việt Nam, tương đương 14%. Số lượng này cũng đã tăng so với báo cáo tương tự cho năm 2020, với 21 công ty, tương ứng 10% tổng số đối tác của Apple.
Các nhà cung cấp lớn như Qualcomm, Foxconn (Hon Hai Precision) và Sony đã thêm nhiều địa điểm sản xuất hơn vào năm 2021, mặc dù danh sách không đề cập đến các cứ điểm sản xuất cụ thể. Các công ty này cung cấp cho Apple các thành phần quan trọng như modem, cảm biến hình ảnh và khâu lắp ráp sản phẩm.
Danh sách cũng bao gồm Luxshare Precision, hay các công ty cung ứng linh kiện Samsung, LG Display, Intel.. Tuy nhiên, danh sách nhà cung cấp không đề cập đến mức độ kinh doanh cụ thể của Apple với từng đối tác cung ứng hoặc mô tả những gì mà các EMS này đảm trách.
Dữ liệu mới từ báo cáo tài khoá 2021 của Apple cũng cho thấy, năm tài khóa 2021, Apple có thêm 5 đối tác mới với nhà máy ở Việt Nam, tập đoàn này cũng loại bỏ một công ty tên Foster Electric, có nhà máy tại Bình Dương và Đà Nẵng của Việt Nam.
Apple đăng ký khai thuế tại Việt Nam
Giới quan sát cho rằng, các nhà máy này có xu hướng là dây chuyền sản xuất nhỏ để thử nghiệm các sản phẩm mới hoặc các hoạt động liên quan đến dịch vụ. Tuy nhiên, họ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple.
Danh sách mới của Apple cũng bổ sung nhà máy của Luxshare Precision tại Khu công nghiệp VSIP (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), mới đi vào hoạt động từ năm 2020. Trước đó, Luxshare sản xuất thiết bị Apple tại Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam.

Trung Quốc vẫn thống trị chuỗi cung ứng của Apple

Trung Quốc vẫn là quốc gia thống trị chuỗi cung ứng của Apple khi có khoảng 150 trong số 180 nhà cung cấp cho hãng công nghệ này.
Các nhà cung cấp Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất chip, màn hình, bộ phận máy ảnh và động cơ.
Dữ liệu này cho thấy, Apple vẫn phụ thuộc phần lớn vào các đối tác Trung Quốc và nhà máy đặt tại đất nước tỷ dân.
Gã khổng lồ xứ Cupertino cũng bổ sung 6 công ty Trung Quốc trong năm quatrong khi bỏ đi 7 công ty khác không đáp ứng được điều kiện hợp đồng. Trong đó, nổi tiếng nhất có Ofilm (Thâm Quyến), chuyên sản xuất và phân phối các linh kiện quang học và quang điện tử.
Mặc dù vậy, xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn thể hiện rõ so với giai đoạn 2017-2020, khi 1/3 số đối tác của Apple đặt nhà máy tại Trung Quốc.
Apple muốn đưa Việt Nam và Ấn Độ thành các trung tâm sản xuất quan trọng toàn cầu
Một số nhà cung cấp đã mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như ở Việt Nam và Ấn Độ. Như Sputnik đã thông tin, Apple bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ vài tuần sau khi phát hành.
Kể từ tháng 8 năm 2022, Apple đã thử nghiệm sản xuất Apple Watch và MacBook Pro tại Việt Nam, theo Appleinsider. Foxconn Hon Hai cũng đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD để mở rộng nhà máy ở Bắc Việt Nam.
“Apple có thể giảm sản xuất tại Trung Quốc Đại lục và gia tăng sự hiện diện của Ấn Độ, Việt Nam, nhưng họ vẫn còn gắn bó rất chặt với những công ty Trung Quốc là một phần trong chuỗi cung ứng”, - theo Thời báo Nam hoa buổi sáng (SCMP) dẫn ý kiến của chuyên gia phân tích Eddie Han tại Isaiah Research.
Việc chuyển dây chuyền sản xuất của Apple về lại Mỹ là xu hướng đáng chú ý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc ở gần trụ sở chính của Apple vào những dịp nhất định sẽ rất hữu ích.
Việc đi lại đã trở nên khó khăn giữa California và Trung Quốc kể từ năm 2020 do các hạn chế COVID-19, dù Apple đã cố gắng giảm bớt một số gánh nặng thông qua các ứng dụng phát trực tiếp.
Động thái này cũng tốt cho Apple khi cho thấy họ đang nỗ lực để đưa nhiều ngành sản xuất quay ngược về Mỹ. Hồi tháng 8, Tổng thống Biden đã ký Đạo luật Khoa học và CHIP, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như các ngành chế tạo công nghệ cao khác.
CEO Apple: “Hãy nói với họ rằng tôi nóng lòng muốn ghé thăm Việt Nam”
Đạo luật này cũng lại hơn 50 tỷ USD viện trợ cho các công ty xây dựng nhà máy bán dẫn tại Hoa Kỳ.

Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng

Nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research Ivan Lam đánh giá, không nghi ngờ gì nữa, Apple đang bắt đầu tăng tốc trong việc đa dạng hóa sản xuất, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc.
Dù vậy, vấn đề này là câu chuyện không phải một sớm một chiều vì Apple có yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng sản phẩm. Việc tiếp tục làm việc với đối tác lâu năm tại giúp công ty đảm bảo vấn đề đó.
Trong khi đó, Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến mới của Apple. Ấn Độ gần đây đã triển khai tham vọng trị giá 1.200 tỷ USD để thu hút sản xuất khỏi Trung Quốc. Apple cũng chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone qua quốc gia này.
Còn Việt Nam hiện có các nhà máy lớn chuyên gia công các thiết bị Apple và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của gã khổng lồ công nghệ này.
Trước đó, theo số liệu của JP Morgan cuối tháng 9/2022, Apple muốn đưa Việt Nam và Ấn Độ thành những trung tâm sản xuất mới của mình.
Việt Nam rộng đường chinh phục ngành sản xuất chip bán dẫn
Đồng thời, Việt Nam có thể thành khu vực sản xuất quan trọng của công ty Mỹ, chủ yếu lắp ráp các sản phẩm như AirPods, MacBook, iPad và Apple Watch. Đến năm 2025, Việt Nam dự kiến đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% lượng MacBook và 65% AirPods, như Sputnik trước đó đã đề cập.
Việc sở hữu cáccông xưởng sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu, có thể kể đến loạt thiết bị từ Samsung, Xiaomi, tai nghe AirPods của Apple tạo lợi thế không nhỏ cho Việt Nam.
Từ đầu năm nay, nhiều thông tin từ chuỗi cung ứng cho thấy một số dòng sản phẩm khác của Apple như Apple Watch, iPad, MacBook cũng được chuyển dần sang Việt Nam.
Nikkei Asia trước đó khẳng định, đây là một bước tiến, một thắng lợi mới của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng quan trọng.

‘Trong số nhà cung ứng của Apple, không có tên tuổi nào của Việt Nam’

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại toàn bộ đối tác cung ứng làm việc trực tiếp với Apple đều là công ty Trung Quốc. Chưa có tên tuổi nào trong số các doanh nghiệp Việt Nam chưa góp mặt. Đây là vấn đề cần suy ngẫm.
Thành công của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác xây dựng chuỗi cung ứng nhưng chính Việt Nam cũng cần tạo nên chính những doanh nghiệp của mình, đủ sức trở thành đối tác của Apple như cách mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã làm.
Vừa qua, Financial Times phân tích, thế khó của Việt Nam là thiếu đi các công ty đóng vai trò là đối tác lớn trong chuỗi cung ứng. Thực tế, trong số các nhà cung cấp của Apple hiện có, không có một cơ sở nào là của người Việt cả.
“Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát huy tiềm năng của chính mình hay không, hay chỉ như một 'nền tảng lắp ráp' được coi trọng chủ yếu nhờ lao động giá rẻ”, - FT thẳng thắn.
Apple Việt Nam có nữ tướng mới
Nikkei cũng lưu ý, Việt Nam vẫn chưa phát triển được khu vực công nghệ cao trong nước, khiến các nhà làm chính sách gặp khó.
“Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu công nghệ mà không quốc gia Đông Nam Á nào sánh kịp, với tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao đạt 42% trong năm 2020, tăng mạnh so với con số 13% trong năm 2010. Nhưng rất ít trong số những sản phẩm xuất khẩu này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia”, - Nikkei bày tỏ và chỉ rõ, phần lớn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam mới chỉ có thể lắp ráp cho những thương hiệu lớn của các quốc gia khác.

Việt Nam có thể trở thành đối thủ nặng ký nếu…

Việc chế tạo ra những thiết bị phức tạp hơn sẽ là một biểu tượng thành công cho ngành sản xuất của Việt Nam và quyết tâm tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Theo Sách trắng do Bộ Công Thương công bố năm 2019, Việt Nam tụt hậu so với hầu hết các nước láng giềng châu Á về tiêu chuẩn như hàm lượng giá trị gia tăng trong thương mại và giá trị gia tăng trong sản xuất, mức độ đóng góp của nền kinh tế trong nước vào thương mại.
Thực tế, trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu năm 2020 của Samsung Electronics, tập đoàn Hàn Quốc chỉ kể tên những công ty nước ngoài ở Việt Nam mặc dù đã hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này 14 năm và một nửa lượng smartphone trên thế giới của Samsung đều được sản xuất tại Việt Nam.
Các chuyên gia của Nikkei Asia đánh giá Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các quốc gia khác như lượng nhân công có kỷ luật cao, giá rẻ và chính sách phát triển kinh tế tốt. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải nhiều trở ngại khác như lao động thiếu trình độ và thiếu trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Samsung đề xuất về vấn đề chuyển giao công nghệ với Việt Nam
Nikkei cũng dẫn lại quan điểm của nhà kinh tế Phùng Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mekong Development Research Institute, cho biết nếu vươn lên thành công trong ngành công nghiệp sản xuất, Việt Nam sẽ trở thành đối thủ nặng ký đối với các nhà sản xuất trong khu vực như Oppo của Trung Quốc hay công ty chế tác chip Silterra của Malaysia.
Nhưng chẳng may thất bại, theo chuyên gia, Việt Nam sẽ mãi “mắc kẹt trong mớ các xưởng sản xuất”, khiến nền kinh tế bị tắc nghẽn, trì trệ và bất bình đẳng hoặc xảy ra các cuộc khủng hoảng nợ.
“Để không rơi vào thảm cảnh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam nên sớm tìm được chỗ đứng của mình trong cuộc đua chiến lược thương mại toàn cầu”, - chuyên gia Phùng Tùng lưu ý.
Phát biểu tại Diễn đàn CEO “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử” ngày 4/10 mới đây, các chuyên gia cũng lưu ý vấn đề này, hiện Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng của Apple từ lâu.
4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đem về 38 tỷ USD, Samsung Thái Nguyên vẫn dẫn đầu
Dẫn chứng trong chuỗi cung ứng của Apple từ năm 2014 đã có 14 nhà cung cấp từ Việt Nam và đến năm 2020 đã có 21 nhà cung cấp (trong đó toàn bộ là doanh nghiệp FDI), theo ông Nguyễn Phước Hải, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, hiện nay, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử từ Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cơ hội mới đang mở ra rất lớn cho ngành điện tử. Đồng thời, “China +N là xu thế và không ai lấy được tất cả.

“Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong thu hút đầu tư FDI giai đoạn tiếp, nếu quan tâm đến Apple và ngành điện tử, muốn gia tăng vị thế trong cuỗi cung ứng cho Apple, Việt Nam cần quan tâm thu hút các doanh nghiệp điện tử đến từ Hoa Kỳ, Đài Loan”, - chuyên gia khuyến nghị.

Thảo luận