Các quốc gia thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022. Đây là mức giảm tối đa trong hai năm qua. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, quyết định này sẽ cho phép khôi phục sự cân bằng cung và cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu trong giai đoạn bất ổn. Kết quả của đàm phán đã gây ra sự bất bình nghiêm trọng ở Hoa Kỳ, Nhà Trắng cáo buộc
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexandr Novak
© Sputnik / Sergey Guneev
OPEC+ liên kết với Nga. Trước đó, Nhà Trắng đã cố gắng thuyết phục một số thành viên của OPEC+, trước tiên là Ả Rập Xê-út, không cắt giảm sản lượng dầu, vì điều này có thể khiến giá nhiên liệu tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ả Rập Xê-út không có lợi ích kinh tế và chính trị để tuân theo chỉ thị của Mỹ. Những thay đổi gì đang chờ đợi thị trường dầu mỏ toàn cầu? Sự kiện trên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?
Sputnik đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế và toàn cầu, chuyên gia Nguyễn Hồng Long về quyết định của OPEC+ và tác động của quyết định đó tới nền kinh tế toàn cầu.
Thời kỳ Mỹ thao túng giá dầu để gây sức ép đã qua
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, ông đánh giá như thế nào về quyết định giảm khai thác của nhóm OPEC+ từ tháng 11/2022 ở mức 2 triệu thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới? Theo ông thì vì sao OPEC+ đã đưa ra quyết định như vậy?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Đây là điều đã được dự báo trước sau thất bại trong các chuyến đi của những người đứng đầu chính phủ Mỹ và Đức tới Ả Rập Xê-út trong thời gian qua. Quyết định này càng cho thấy vị thế của Mỹ và phương Tây ở “rốn dầu” Trung Đông đã suy giảm nghiêm trọng. Về dài hạn, nó cũng báo hiệu sự sụp đổ không tránh khỏi của cơ chế “Petro-Dollar” vốn được Mỹ “phát minh” và duy trì từ ngày 15/8/1971.
Nguyên nhân thứ nhất chính là hiệu ứng “đầu tàu”. Trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp trên thế giới đang trên đà phục hồi sau Đại dịch COVID-19 thì công nghiệp năng lượng mà ngành sản xuất dầu mỏ, khí đốt phải là ngành được phục hồi đầu tiên. Bởi nền kinh tế thế giới cần phải có nguồn năng lượng dồi dào và thì mới vận hành được. Và ở thời điểm hiện tại thì có tới 2/3 cơ sở sản xuất trên thế giới dựa vào năng lượng dầu khí. Trong khi đó thì các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt cũng đang trong trạng thái phục hồi. Họ cần nhiều lợi nhuận để bù đắp lại những thiệt hại do thu hẹp sản xuất từ tác động của Đại dịch COVID-19 gây ra trong suốt 2 năm qua. Trong đó, có việc tái đầu tư để phục hồi sản xuất cũng như mở rộng sản xuất nguồn nhiên liệu chiến lược này.
Xuất phát từ nguyên nhân có tính quy luật ấy, quan điểm “giữ giá” của cộng đồng OPEC và các đối tác OPEC+ không chỉ là vấn đề bảo đảm lợi nhuận và tối ưu hóa lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất các nhiên liệu chiến lược trong khi chi phí sản xuất đã tăng lên sau đại dịch. Việc giữ cho giá dầu ổn định khi thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới có liên quan chặt chẽ đến sự phân chia lợi nhuận và phân chia thị trường một cách công bằng giữa các quốc gia trong khối OPEC cũng như các đối tác OPEC+, qua đó, cũng bảo đảm sự công bằng trong việc chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ với các khách hàng của họ. Chính vì vậy mà không thể có một sự can thiệp chính trị nào từ Mỹ và phương Tây có thể ảnh hưởng đến lợi ích của toàn khối. Nói cách khác, thời kỳ “Mỹ bảo, OPEC nghe” đã qua rồi. Và thời kỷ mà Mỹ thao túng giá dầu để gây sức ép lên các đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ cũng như lên các quốc gia “không nghe lời Mỹ” cũng qua rồi.
Nguyên nhân thứ ba là do chính sách tăng lãi suất đồng Dollar của Mỹ. Đối với Mỹ, việc tăng lãi suất “đồng bạc xanh” là hành động bắt buộc để giảm thiểu lạm phát đang đe dọa nền kinh tế Mỹ. Nhưng chính sách đó lại gây ra những thiệt hại cho nhiều lĩnh vực sản xuất trên thế giới, trong đó có lĩnh vực sản xuất dầu khí. Và để giảm thiểu thiệt hại này, khối OPEC và các đối tác OPEC+ của họ không còn cách nào khác là phải giảm sản lượng để giữ giá bởi một quy luật đơn giản là khi giá dầu bị hạ thì càng sản xuất càng thiệt hại, càng bán càng lỗ.
Nguyên nhân cuối cùng của quyết định giảm sản lượng của OPEC+ là dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian trước mắt. Các cơ quan dự báo kinh tế toàn cầu đã hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 và năm tiếp theo từ mức 3,5% xuống 3,1%. Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng suy giảm, sản xuất bị thu hẹp. Chỉ số PMI ở tất cả khu vực đều giảm. PMI toàn cầu tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức 50.3, mức thấp nhất trong vòng 26 tháng qua. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực châu Âu. Chính sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến cho khối OPEC+ quyết định giảm sản lượng khai thác để bảo toàn lợi nhuận của họ.
Sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại nhưng bền vững hơn, công bằng hơn
Sputnik: Ông có dự báo gì về giá dầu mỏ và khí đốt trên thị trường thế giới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Trong thời gian trước mắt và lâu dài thì giá dầu mỏ và khí đốt trên thế giới sẽ tiếp tục giữ mặt bằng giá mới, dao động ở mức từ 85 usd/thùng đến 100 usd/thùng trong điều kiện Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ FED không tăng lãi suất đồng Dollar nữa. Ngược lại, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất đồng Dollar thì giá dầu khí có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn nhưng khối OPEC sẽ lại tiếp tục cắt giảm sản lượng để giữ giá ổn định. Mặt khác, giá dầu khí cũng có thể có những biến động lớn nhưng khả năng giảm giá là rất thấp, ngay cả khi xảy ra những biến động trên chính trường của các quốc gia khối OPEC.
Như đã phân tích ở trên, không thể tính đến chuyện phục hồi nền kinh tế toàn cầu nếu như ngành sản xuất dầu mỏ, khí đốt và các ngành sản xuất năng lượng khác chưa được phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, mọi cố gắng của Mỹ và phương Tây tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tiêu thụ năng lượng giá rẻ như trước đây để phục hồi phát triển các ngành chế tạo, cơ khí, điện tử, giao thông vận tải và các lĩnh vực dịch vụ chẳng khác gì “đặt cái cày trước con trâu”. Thêm vào đó, tốc độ phục hồi cũng như năng lực phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới là không đều. Và nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể ổn định và phục hồi một cách vững chắc, công bằng và minh bạch khi khoảng cách và tốc độ phục hồi của các quốc gia được thu hẹp, nếu không tạo ra được sự công bằng thì ít nhất cũng giảm bớt sự bất bình đẳng. Với việc OPEC+ giảm sản lượng khai thác dầu mỏ sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại nhưng bền vững hơn, công bằng hơn.
Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được
Sputnik: Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh như vậy, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long:
Tuy không tham gia khối OPEC và cũng không phải là đối tác chiến lược của khối này nhưng Việt Nam cũng là một quốc gia sản xuất dầu mỏ. Tuy với sản lượng khá khiêm tốn so với các quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu nhưng Việt Nam cũng đã tự chủ một phần đáng kể nguồn năng lượng chiến lược này. Mặc dù sau quyết định giảm sản lượng khai thác của OPEC+, giá dầu mỏ trên thế giới có thể tăng thêm 3% nhưng biên độ tăng giá này không lớn và Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được bằng chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, hợp lý cộng với chính sách trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thực tế, trong hai lần điều chỉnh hạ giá vừa qua, Việt Nam không những không dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chiết khấu mà còn có thể sử dụng một phần giá bán để đưa trở lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Yếu tố thứ hai làm cho Việt Nam có thể ổn định giá xăng dầu trong nước là do Việt Nam có nhiều nguồn cung và ổn định, kể cả dầu thô lẫn nhiên liệu nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu tính đến việc thiết lập các cơ sở dự trữ xăng dầu quốc gia để bảo đảm ổn định hơn nữa nguồn cung cho thị trường.
Và điểm cuối cùng có lợi cho Việt Nam cũng lại chính là giá dầu tăng lên. Trong nhiều tháng qua, giá dầu thế giới luôn ở mức cao từ 90 usd/thùng đến 130 usd/thùng đã mang lại lợi nhuận lớn cho các liên doanh, các công ty sản xuất dầu mỏ Việt Nam. Bằng chứng là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã cán đích về các chỉ số sản xuất và kinh doanh trước thời hạn chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, khai thác dầu thô đã vượt 23% kế hoạch 8 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ. Về nhiên liệu, Tập đoàn này đã sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), vượt 8% kế hoạch 8 tháng và bằng 74% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ, đáp ứng được nhu cầu trong nước. Về các chế phẩm dầu mỏ khác, PVN đã sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm ure, vượt 10% kế hoạch 8 tháng và bằng 72% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận, PVN đã nộp ngân sách là 90.600 tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). PVN cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tập đoàn.
Trong điều kiện giá dầu thô tăng, mặc dù người tiêu dùng nhiên liệu ở Việt Nam có thể sẽ phải chi phí thêm cho nhiên liệu xăng dầu khi giá cả tăng nhẹ trở lại. Nhưng nhìn tổng thế thì nền kinh tế Việt Nam không những ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô chỉ tăng khoảng 3% mà còn được hưởng lợi một phần từ việc giá dầu thô tăng nhẹ trở lại do sự cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Sputnik: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.