Biến động ở Ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi không rút tiền ồ ạt

Trước những thông tin tiêu cực đang lan truyền, từ hôm qua, đã có rất nhiều người kéo đến các chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – SCB để rút tiền gửi trước hạn.
Sputnik
Sáng 8/10, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo nhấn mạnh sẽ có giải pháp đảm bảo SCB hoạt động ổn định, đồng thời kêu gọi người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn để ảnh hưởng đến quyền lợi.

Ngân hàng Nhà nước trấn an người dân

Trong thông cáo, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường. Đồng thời, sẽ có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, đảm bảo ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

"Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền", - thông cáo nêu rõ.

Trả lời báo chí ngày 8/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng kêu gọi người dân nên cân nhắc thận trọng khi rút tiền gửi trước hạn ở SCB. Điều này sẽ khiến mất tiền lãi.

"Người gửi tiền cần cân nhắc thận trọng khi rút những khoản tiền trước hạn ở SCB. Nếu rút trước hạn thì khách hàng sẽ bị mất tiền lãi mà đáng lẽ là được hưởng", - ông Tú khuyến cáo.

Liên quan đến việc một số nhân viên ngân hàng lôi kéo người dân rút tiền từ SCB sang gửi tiền ở ngân hàng mình, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có công điện gửi các ngân hàng thương mại trên hệ thống chấn chỉnh tình trạng này.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp lôi kéo khách hàng của SCB sang gửi tiền ở ngân hàng khác.
Trong khi đó, phía ngân hàng SCB cũng khẳng định họ đang theo dõi tình hình sát sao, có giải pháp xử lý các vấn đề liên quan và khuyên người dân không nên rút tiền trước thời gian bởi có thể ảnh hưởng đến quyền lợi sau này.

Ngân hàng SCB

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – SCB được hợp nhất bởi ba tổ chức là SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Đây là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân, thuộc top 5 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.
Cho đến thời điểm hiện tại, SCB là một trong 3 ngân hàng vẫn chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tính đến quý II năm nay, tổng tài sản SCB là hơn 760.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi tăng hơn 16% so với đầu năm, đạt hơn 595.440 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, ngân hàng SCB thu lãi trước thuế 682 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
So với các ngân hàng khác trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi của SCB cũng khá cao. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm của kỳ hạn 1 – 36 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ dao động từ 4,9%/năm đến 7,3%/năm.
Vì sao công an Việt Nam bắt nữ đại gia Trương Mỹ Lan của Vạn Thịnh Phát?
Ngày 6/10 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Thành – thành viên HĐQT độc lập SCB, Tổng giám đốc CTCP chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời. Ngày 7/10, Chứng khoán Tân Việt thông báo người thay ông Thành ngồi “ghế nóng” là ông Nguyễn Việt Cường.
Được biết, ông Nguyễn Tiến Thành là chồng bà Tống Thị Thanh Hoàng – Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Thảo luận