Cơ quan công an tỉnh Hà Nam mới đây đã truy tìm và phát hiện chủ tài khoản Facebook có hành vi đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật về vụ việc trên. Tại cơ quan công an, người này đã thừa nhận vi phạm.
Công an xác định người đăng tin thất thiệt
Ngày 9/10, Công an tỉnh Hà Nam cho biết đã phát hiện tài khoản Facebook cá nhân có hành vi đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt, sai sự thật về hoạt động của ngành ngân hàng.
Cơ quan chức năng cho rằng, những thông tin thất thiệt lan truyền đã gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an đối với người dân và các nhà đầu tư gửi tiền ở các ngân hàng, khiến nhiều người dân đổ xô rút tiền.
Sau khi thu thập được chứng cứ, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) mời ông Nguyễn Kiên Quyết (40 tuổi, trú TP.Phủ Lý) lên làm việc tại trụ sở công an.
Tại đây, ông Quyết thừa nhận đã tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tác động, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Hành vi của ông Quyết được xác định là vi phạm pháp luật. Cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý.
Bộ Công an khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Các hành vi này đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chấn chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hôm qua 8/10, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), sau khi chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị khởi tố và bắt tạm giam.
Buổi họp báo diễn ra tại Trung tâm báo chí TP.HCM, dưới sự chủ trì của ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Theo đó, do những diễn biến gần đây, khi người gửi tiền tại SCB hoang mang đi rút trước hạn thì cũng xuất hiện tình trạng nhiều ngân hàng khác cử nhân viên đến tận các chi nhánh của SCB để phát tờ rơi, hướng dẫn người dân đến gửi tiền tại ngân hàng mình.
Thậm chí, có ngân hàng còn làm việc cả ngày thứ bảy để "đón" nguồn tiền này, cho mở cửa đến tối thứ bảy để tranh thủ dù đây là ngày nghỉ.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Minh Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng phải cạnh tranh sòng phẳng, theo cơ chế thị trường, không được cạnh tranh thiếu bình đẳng, sai quy định.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, cơ quan này đã có công điện gửi các ngân hàng thương mại, yêu cầu chấn chỉnh tình trạng nói trên.
"Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp lôi kéo khách hàng của SCB sang gửi tiền ở ngân hàng khác", - ông Tú nhấn mạnh.
Chiều 8/10, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có thông báo "về tên gọi của ngân hàng".
Cụ thể, trên trang fanpage Facebook, Sacombank cho biết hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin liên quan đến ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Để tránh nhầm lẫn tên gọi, Sacombank lưu ý khách hàng, cổ đông, đối tác rằng Sacombank và SCB là hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau.
Do tên viết tắt của hai ngân hàng này khá giống nhau nên Sacombank phải lên tiếng để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng cũng như nhà đầu tư và đối tác.