Sau gần một năm khởi công xây dựng, dự án nhà máy LNG Quảng Ninh đã bị chậm tiến độ, mới chỉ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án này cũng chưa thành lập pháp nhân để triển khai dự án, chưa hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Sơ lược theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh chậm tiến độ chủ yếu do liên danh nhà đầu tư ‘thiếu quyết liệt’ trong tổ chức thực hiện.
Chậm tiến độ
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Được biết, trước đó, ngày 1/10/2022, ông Cao Tường Huy đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai dự án này.
Cũng theo lãnh đạo Quảng Ninh, tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ban, ngành và đại diện Liên danh nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam, Tokyo Gas Co., Ltd. Và Marubeni Corporation.
Sau khi nghe Sở Công Thương và đại diện Liên danh nhà đầu tư báo cáo, ý kiến phát biểu của các sở, ngành, địa phương dự họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được khởi động từ ngày 24/10/2021, đến nay đã gần 1 năm nhưng tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị để khởi công và triển khai thi công dự án chậm, không đảm bảo tiến độ đã đề ra.
“Đến nay Dự án mới hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chưa thành lập pháp nhân để triển khai dự án, chưa hoàn thành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi...”, - báo cáo nêu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do Liên danh nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, nguyên nhân khách quan do thủ tục bổ sung bến cảng chuyên dùng LNG vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1).
Phấn đấu hoàn thành phê duyệt dự án trong tháng 12/2022
Trước nguy cơ dự án bị chậm tiến độ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Liên danh nhà đầu tư quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị của dự án để sớm khởi công công trình.
Trong khi đó, ông Cao Tường Huy đã chỉ đạo một số công việc chính cần tập trung thực hiện như thành lập doanh nghiệp dự án, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo phương án đấu nối Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với hệ thống điện quốc gia.
Để triển khai, UBND tỉnh đề nghị liên danh nhà đầu tư bám sát Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam về thỏa thuận tọa độ, vị trí bến cảng LNG, đồng thời, khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, chậm nhất trong tháng 10/2022 phải trình Bộ Công Thương thẩm định, phấn đấu hoàn thành phê duyệt dự án trong tháng 12/2022.
Tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở Giao thông vận tải hỗ trợ nhà đầu tư làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam giải quyết thủ tục liên quan bến cảng LNG, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh có ý kiến về quy hoạch Bến cảng LNG theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
Sở Công Thương, Quảng Ninh cũng hỗ trợ nhà đầu tư trong việc báo cáo Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương thẩm định dự án.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh giao cho UBND thành phố Cẩm Phả bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong tháng 11/2022.
Về phía nhà đầu tư, lãnh đạo Quảng Ninh yêu cầu phải triển khai ngay các thủ tục theo các quy định hiện hành để thi công hàng rào và san nền dự án ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng.
“UBND thành phố Cẩm Phả có trách nhiệm làm đầu mối cùng với nhà đầu tư làm việc cụ thể với các đơn vị ngành than để có phương án cung cấp vật liệu san nền là đất đá thải mỏ cho dự án”, - lãnh đạo tỉnh nêu rõ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ nhà đầu tư tính toán phương án nạo vét, đổ thải (khoảng 4 triệu m3), làm việc với các đơn vị liên quan về vị trí đổ thải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Liên danh với Nhật Bản
Cuối tháng 10/2021, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được khởi động tại thành phố Cẩm Phả.
Vào thời điểm khởi công, đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng(khoảng 2 tỷ USD).
Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng.
Dự kiến khi nhà máy LNG Quảng Ninh đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Trước đó, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và quy định của pháp luật hiện hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt danh mục dự án đầu tư và thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án là Liên danh nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cùng với 2 nhà đầu tư Nhật Bản Tokyo Gas - Marubeni.
Tại lễ khởi động dự án hồi năm 2021 tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni.