SCB “thay máu” loạt lãnh đạo sau khi NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Ông Vũ Anh Đức, nguyên Giám đốc Vietinbank TP.HCM, vừa được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Sputnik
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt của cơ quan này, đồng thời lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm từ các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia quản trị, điều hành SCB.

SCB có chủ tịch mới

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có thông báo về việc bổ nhiệm ông Vũ Anh Đức vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), thay thế cho ông Bùi Anh Dũng kể từ ngày 14/10.
Ông Vũ Anh Đức cũng thay ông Bùi Anh Dũng làm người đại diện theo pháp luật của SCB.
Ông Vũ Anh Đức, sinh năm 1977, vốn là Giám đốc Vietinbank TP.HCM. Ông có học vị Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển.
Thêm 1 phóng viên và 1 giảng viên 'dính án' vì loan tin giả về SCB
Tại VietinBank, ông Đức từng kinh qua nhiều vị trí như Phó phòng đầu tư, Trưởng phòng thị trường vốn - Khối kinh doanh vốn và thị trường kiêm nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VietinBank, Giám đốc VietinBank Quang Trung...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ nhiệm 4 Thành viên HĐQT khác cho SCB là các ông Phạm Quang Tiến, Võ Quang Bửu, Trang Nhân Hậu và Vũ Thành Phương.

Đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Cùng ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, nhằm ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Trong thông cáo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Ngân hàng Nhà nước sẽ lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
VinaCapital nói về SCB và Vạn Thịnh Phát: ‘Việt Nam không bị khủng hoảng tài chính’
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh.
Trong lịch sử, từng có nhiều ngân hàng được đưa vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Cuối tuần trước, ngày 7/10, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB ghi nhận tình trạng hàng loạt khách hàng đến giao dịch. Nhiều người trong số đó đến rút tiền, trong khi số khác đến thăm dò thông tin vì lo ngại về sự an toàn tiền gửi.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo khẳng định "những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp".
Trong một động thái liên quan, SCB đã tăng 1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng, trong đó mức gửi một năm lên tới 8,55%, mức cao nhất hệ thống. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tình hình tại SCB hiện đã ổn định hơn.
Thảo luận