“Cơ hội lật ngược tình thế”. Mỹ dò độ trung thực của nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam

Ngày 16/10/2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sang Việt Nam nhằm thị sát thực tế, kiểm tra độ trung thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ tại một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam, gồm cả những đại diện trong ‘danh sách đen’.
Sputnik
Nếu người Mỹphát hiện gian lận thuế thì nguy cơ đồ gỗ của Việt Nam sẽ bị áp đặt thuế lên đến 200% với lý do gian lận thương mại hoặc gian dối thuế, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm..
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài, về cơ bản, năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn yếu kém, không có người am hiểu và thông thạo tiếng anh, kỹ năng về tin học, công nghệ thông tin để có thể xử lý, ứng phó với đòi hỏi của phía Mỹ.

Phái đoàn Bộ Thương Mại Mỹ thị sát doanh nghiệp gỗ Việt Nam

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, ngày 16/10/2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sang Việt Nam để “thị sát thực tế” tại một số doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
Theo thông tin mà ông Hoài cung cấp cho báo chí, tại đợt thị sát lần này Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ khảo sát ‘ngẫu nhiên’ cả những những doanh nghiệp làm tốt và doanh nghiệp được cho là trong danh sách “đen” đối với phía Mỹ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho hay, Đoàn khảo sát của DOC sẽ ở Việt Nam trong khoảng 7-10 ngày.
Như đã biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn cung cấp nguyên vật liệu và thiết bị chính cho ngành sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc cũng là một trong những yếu tố khiến hàng hoá Việt Nam dễ bị điều tra phòng vệ thương mại, nhất là từ giới chức Hoa Kỳ, vốn luôn nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ hàng hoáng Trung Quốc do căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 22/8/2022 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về kết quả điều tra gỗ dán được làm từ gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ bị khởi kiện có xuất xứ Trung Quốc (được sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm ở Trung Quốc, hoàn thiện ở Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ để né tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp). Theo đó, DOC đã sơ bộ kết luận có 21 công ty hợp tác tốt, 22 công ty “không phản hồi” và 14 công ty “không hợp tác”.
Cần lưu ý rằng, đợt ‘thị sát’ lần này là cơ hội để doanh nghiệp gỗ Việt chứng minh sự trong sạch, làm ăn trung thực, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phầm và tiêu chuẩn theo yêu cầu của Mỹ. Đây cũng là cơ hội lật ngược thế cờ, tránh bị áp thuế và rơi vào nguy cơ phá sản.

“Đoàn sẽ chia làm 2 nhóm để đi khảo sát, kiểm tra tại chỗ các doanh nghiệp theo sự lựa chọn ngẫu nhiên của họ trong tổng số khoảng 40 doanh nghiệp làm tốt và 36 doanh nghiệp trong “danh sách đen” làm chưa tốt mà DOC cho rằng thiếu hợp tác”, - Phó Chủ tịch Viforest Hoài thông tin.

Bổ sung thêm, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ sang Việt Nam nhằm đi thực địa các doanh nghiệp họ cho là khai báo tốt, có sự hợp tác với họ.
Tuy nhiên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng mời họ đi thăm cả doanh nghiệp bị họ liệt vào danh sách “đen” với hy vọng thay đổi được quan điểm đánh giá của phía Hoa Kỳ.

DOC kiểm tra những gì?

Để phục vụ cho đoàn kiểm tra sang vào hôm nay 16/10, trước đó vài tháng, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có tập huấn cho các doanh nghiệp các kỹ năng khi đón tiếp đoàn thị sát của DOC Hoa Kỳ và những nội dung cần phải khai báo như thế nào.
Viforest cũng chỉ cho các doanh nghiệp phải làm những việc gì để chứng minh rằng doanh nghiệp không có né tránh thuế hoặc gian lận thương mại.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, Đoàn khảo sát lần này của Bộ Thương mại Mỹ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ dán cứng và tủ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

“Tuy nhiên việc khởi xướng điều tra cũng cần phải 1,5-2 năm mới có thể ra được phán quyết cuối cùng, mặc dù vậy các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng phải phản biện, giải trình”, - ông Ngô Sỹ Hoài khẳng định.

Thông tin chính thức việc Mỹ điều tra gỗ dán và tủ gỗ Việt Nam

Mỹ kiểm tra doanh nghiệp gỗ Việt có trung thực hay không

Ông Hoài nhấn mạnh, Bộ Thương mại Mỹ sẽ kiểm tra xem nội dung khai báo của các doanh nghiệp Việt Nam có đúng không, các hồ sơ, chứng từ có chuẩn không, họ xem các nhà máy có thực sự sản xuất không?

“Nếu họ phát hiện gian lận thuế thì nguy cơ đồ gỗ của Việt Nam sẽ bị áp đặt thuế lên đến 200% với lý do gian lận thương mại hoặc gian dối thuế”, - ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.

Theo lãnh đạo của Viforest, việc khởi xướng điều tra từ phía DOC thường dựa trên một số các bình luận, các ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ về lời khai hoặc phản hồi của doanh nghiệp Việt Nam theo 01 bản câu hỏi về khối lượng và giá trị... rất nhiều câu hỏi được DOC đưa ra và phía doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm trả lời.
Nếu có ý kiến phản biện, phản hồi từ các bản khai này thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ thành lập đoàn kiểm tra để thị sát thực tế để ‘xem các doanh nghiệp Việt Nam có khai báo trung thực không’.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest Ngô Sỹ Hoài cho biết, thời gian qua Hiệp hội Gỗ và Lam sản đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp của Việt Nam mới dừng ở quy mô vừa và nhỏ.

“Các doanh nghiệp trong ‘danh sách đen’ có vẻ như khó khăn, có vẻ như nó đã được an bài rồi, trong đó có một số doanh nghiệp thực tế đã giải thể rồi”, - theo ông Hoài cho biết.

Năng lực phòng vệ thương mại kém

Ông Hoài cũng lưu ý, phải thừa nhận rằng năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam còn yếu, không có người am hiểu và thông thạo tiếng anh, kỹ năng về tin học, công nghệ thông tin để có thể xử lý, ứng phó và làm các bản giải trình một cách kịp thời.

“Nhiều khi chỉ là do lỗi kỹ thuật”, - ông Ngô Sỹ Hoài bày tỏ sự tiếc nuối.

Ông Ngô Sỹ Hoài dẫn chứng đơn cử như Bộ Thương mại Mỹ sử dụng một nền tảng số tự động khai báo và nộp vào đó và nếu mà không thông thạo công nghệ thông tin thì không nộp tờ khai, tờ phản biện của mình được.

“Để giúp doanh nghiệp, thời gian qua chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phản biện và đệ trình phản biện đó, tập huấn, hướng dẫn cụ thể, với sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại”, - lãnh đạo Viforest nhấn mạnh.

Cùng với đó, Viforest cũng hướng dẫn các Hiệp hội gỗ tại các địa phương làm tờ phản biện có tính chất tập thể, giải thích rõ và cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để có giao tiếp, phản hồi với các đối tác của Hoa Kỳ.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đánh giá, tính chủ động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chưa cao. Trong đó có một số doanh nghiệp chủ yếu cùng thuê luật sư nước ngoài, một số doanh nghiệp tự mình giải trình, mỗi cái đều có những hạn chế.
Đáng chú ý, đối với luật sư nước ngoài đôi khi thông tin qua lại giữa hai bên không đầy đủ dẫn đến việc luật sư khai báo chưa kịp thời, đầy đủ nên cũng bị phía DOC đưa vào danh sách các doanh nghiệp không hợp tác tốt.

“Về cơ bản đối với nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng phòng vệ thương mại”, - lãnh đạo Viforest lưu ý.

Mỹ vẫn là bạn hàng lớn nhất của gỗ Việt Nam

Bộ Công Thương cho hay, Mỹ hiện vẫn là thị trường nhập khẩu đồ nội thất lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 65% tổng trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản). Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, Mỹ nhập khẩu lượng sản phẩm gỗ, nội thất tương đương khoảng 13,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9 tỷ USD.
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021 và Hoa Kỳ tiếp tục là nước nhập khẩu gỗ Việt hàng đầu.
Ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2022 đạt 1,25 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 75,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 808 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 88,5% so với tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022 trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 7 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng xuất khẩu chiếm 63,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 6,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

“Tác động từ các yếu tố lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm”, - Viforest lưu ý.

Bị Mỹ dòm ngó, Việt Nam mạnh tay với gỗ Trung Quốc
Hiệp hội dẫn chứng, Mỹ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó nhu cầu giảm mạnh.
Tuy vậy, trong khi giá trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ giảm thì trị giá xuất khẩu các mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn và cửa gỗ lại tăng trưởng rất tốt trong 8 tháng năm 2022, đặc biệt, viên nén gỗ là mặt hàng mới, đang được kỳ vọng đem về lợi thế tỷ đô cho ngành gỗ Việt Nam.
Thảo luận