Vì sao SCB bị kiểm soát đặc biệt sau vụ Vạn Thịnh Phát?

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trả lời vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải “kiểm soát đặc biệt” Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sau vụ bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong vụ án xảy ra tại tập đoàn An Đông.
Sputnik
Đại diện Ủy ban Kinh tế cũng thông tin về vấn đề điều hành xăng dầu, việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu.

Vì sao phải kiểm soát đặc biệt Ngân hàng SCB sau vụ Vạn Thịnh Phát?

Tiếp tục cuộc họp báo chiều 17/10 trước thềm kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đã lên tiếng lý giải vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đưa Ngân hàng TMPCP Sài Gòn SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Phóng viên nêu câu hỏi về nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 về những việc xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng như các vụ việc liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán ‘gây nhiều hệ lụy và mất niềm tin”.
Nêu quan điểm của Ủy ban Kinh tế về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Minh Sơn cho biết, vừa qua, như đã biết, cơ quan chức năng Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo tài sản xảy ra tại Công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông của Vạn Thịnh Phát cùng các đơn vị liên quan.
“Vấn đề này thời gian gần đây cũng làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng hơi xáo trộn”, ông Sơn nói và cho hay, qua phản ánh của báo chí, những ngày đầu tiên người dân đã kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khi xuất hiện các tin tức tiêu cực sau vụ Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Sơn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì ‘tình hình đã lắng xuống’.
Ông Sơn cũng đề nghị người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề cũng như hoạt động của ngân hàng, hệ thống là để đảm bảo cho người gửi tiền.
“Qua buổi họp báo hôm nay, mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của Ngân hàng phải đảm bảo cho người gửi tiền”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Tin đồn về SCB, Vạn Thịnh Phát: Lại 'mất bò mới lo làm chuồng’

Đặt SCB vào diện kiểm soát đặc biệt

Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) nhằm ‘ổn định hoạt động’ của ngân hàng này.
Trong thông cáo phát đi vào chiều tối ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng (trong trường hợp như của SCB), là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.
Đặt SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt", Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những nhân sự có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành nhà băng này.
Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ giải pháp cần thiết để SCB hoạt động an toàn, lành mạnh.
Hàng loạt tin đồn thất thiệt xuất hiện trên thị trường đã khiến lượng lớn người dân tìm tới SCB để rút tiền gửi trước hạn. Ngân hàng Nhà nước sau đó đã áp dụng nhiều giải pháp để thiết lập lại hoạt động ổn định cho ngân hàng SCB cũng như tránh tâm lý tiêu cực, bất an trên thị trường.
Đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hôm 10/10 cũng đã lên tiếng khẳng định những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng ở Việt Nam từ trước đến nay, bao gồm SCB, đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.
Đồng thời, lãnh đạo ngân hàng SCB cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông điệp trấn an người dân và ngân hàng triển khai các chương trình tăng lãi suất huy động, hiện tượng khách hàng tới rút tiền đã giảm đáng kể, ngược lại, SCB đã ghi nhận lượng khách hàng tới gửi tiền tăng cao, tình hình dần khởi sắc.
Đến sáng nay 17/10, tân Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Vũ Anh Đức cũng đã có ‘tâm thư’ xin lỗi khách hàng, khẳng định Hội đồng quản trị SCB cam kết đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu

Phóng viên cũng nêu câu hỏi về việc thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hay buôn bán cầm chừng, thậm chí là bán 30.000 – 50.000 đồng mỗi lần cho người dân, nguyên nhân vì mức chiết khấu quá thấp, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không có lời.
Với tư cách và trách nhiệm là cơ quan dân cử, Quốc hội đánh giá như thế nào về vấn đề này hay có ý kiến gì với Chính phủ, các cơ quan chức năng để giải quyết câu chuyện kinh doanh xăng dầu gây bức xúc thời gian qua.
Đối với câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, vấn đề xăng dầu thời gian qua đúng là gây ra nhiều bức xúc, khi đi tiếp xúc cử tri cũng nhận được nhiều ý kiến. Tuy vậy, ông Sơn cho rằng, đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
“Trong đó có nguyên nhân giá xăng dầu thế giới có biến động với biên độ lớn trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp với giá thế giới”, ông Sơn nhắc lại và cho biết, do đó Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn vừa đảm bảo lợi ích người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu.
Còn về vấn đề xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Minh Sơn nêu rõ, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về các loại thuế nêu trên với xăng dầu và báo cáo Quốc hội xem xét khi giá xăng dầu tăng cao.
“Đến nay Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp sớm nhất”, ông Nguyễn Minh Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, tại báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội cũng đã đề cập đến vấn đề giá xăng dầu thời gian qua.
“Sắp tới sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay.
Đằng sau sự can thiệp của NHNN và biến động nhân sự cao tầng ở Ngân hàng SCB

Dự án Luật Đất đai: Đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng

Về dự án Luật Đất đai, ông Nguyễn Minh Sơn thông tin, công tác xây dựng dự án luật này đã được làm từ sớm, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, dự thảo được đăng tải lấy ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó, Chính phủ cho ý kiến rồi báo cáo Thường vụ Quốc hội.
“Chủ tịch Quốc hội không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về các nội dung, nghe và chỉ đạo liên quan xây dựng luật này. Ngoài ra đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và sẽ được triển khai vào tháng 1/2023”, ông Sơn nêu.
Cơ quan soạn thảo, chủ trì, thẩm tra cũng nhiều lần tổ chức ngồi lại, tọa đàm, hiện đang triển khai ở từng địa phương.
Các đoàn ĐBQH cũng chủ động lấy ý kiến, hiện cơ quan chủ trì thẩm tra đã nhận được nhiều ý kiến từ các bên về dự án luật này.
Ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực thể chế hóa tương đối đầy đủ Nghị quyết 18 của Trung ương, trong đó có 8 cơ chế chính sách để giải quyết các hạn chế, bất cập đã được tổng kết từ luật 2013 liên quan khiếu nại khiếu kiện, thu hồi, bồi thường, tái định cư, giá đất.
Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác.
Trong đó, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm có Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Các dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự).
Thảo luận