Xét chung bối cảnh khan hiếm nguồn cung chip toàn cầu, tiềm năng lớn của quốc gia dồi dào nhân lực trẻ, hay việc Viettel quyết tâm tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip “Make in Vietnam”, FPT Semiconductor cũng dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip, nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực gia nhập nhóm sản xuất chip trên thế giới.
Từ cứ điểm sản xuất điện tử đến tạo ra chip, chất bán dẫn
Không thể phủ nhận, Việt Nam đang là điểm đến của sản xuất công nghiệp điện tử với sự tham gia của các ông lớn hàng đầu thế giới.
Những cái tên hút mọi ánh nhìn như Apple, Samsung, LG, Intel, hay cả đại diện Trung Quốc Xiaomi là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của đất nước, tuy nhiên, ngành sản xuất chíp, linh kiện và vật liệu bán dẫn mới vốn được coi là đỉnh cao chuỗi công nghệ thì quốc gia Đông Nam Á này mới chỉ ở vạch xuất phát.
Tuy nhiên, có thể tin tưởng rằng Việt Nam đang có chiến lược nghiêm túc đối với lĩnh vực này bởi không thể chỉ mãi dừng chân ở nơi lắp ráp, ở điểm cuối xếp hạng chuỗi cung ứng với những yêu cầu đơn giản, tận dụng lợi thế nhân công rẻ mạt và để nước khác vào bào mòn tài nguyên. Việt Nam cần chiến lược phát triển chất lượng cao và thu hút FDI xứng tầm, đã đến lúc phải vượt lên cái thời ‘vặn ốc vít’.
Dữ liệu báo cáo của Công ty nghiên cứu Technavio cho hay, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 6,52%/năm.
Cùng với đó, nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã quyết định đầu tư sản xuất chip bán dẫn ngay tại Việt Nam có thể kể đến Intel, Samsung, Synopsys, tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển (R&D) và sản xuất chip bán dẫn trên thế giới hiện tập trung vào 3 nhà sản xuất chính là TSMC, Samsung và Intel.
Chưa kể, mỗi tập đoàn trong 3 ông lớn TSMC, Samsung và Intel đều có một thế mạnh chuyên môn riêng về chip cho máy tính, chip nhớ hay chip cho thiết bị di động. Hay cả các ông lớn công nghệ khác cũng chưa tham gia được thị trường rộng lớn này.
Công nghệ lõi độc quyền, vốn lớn (10-20 tỷ USD/nhà máy), thời gian đầu tư dài (5-7 năm) là những bài toán khó đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Cũng vì thế, mà theo nhiều chuyên gia, việc sản xuất chip bán dẫn gần như là “nhiệm vụ bất khả thi” với các doanh nghiệp nội của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
“Việt Nam có năng lực sản xuất chip”
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á đánh giá, qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể thiết kế các vi mạch tích hợp (IC).
Ông Li dẫn ví dụ như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, để từ đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành và vị thế của Việt Nam.
Báo Đầu tư cũng dẫn ý kiến của ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM trong đó khẳng định, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip.
“Điều còn thiếu hiện nay là xây dựng nhà máy sản xuất chip. Nếu có đủ hai vấn đề này, Việt Nam có thể gia nhập nhóm sản xuất chip trên thế giới”, ông Tuấn tin tướng.
Chủ tịch Hội Công nghệ và Vi mạch TP.HCM cho biết, hiện có nhóm chuyên gia người Việt Nam làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, trường đại học nước ngoài đã nghiên cứu thành công hệ thống chip 2.5D có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT (Internet vạn vật).
“Sản phẩm này có nhiều ưu điểm như mức đầu tư thấp, phù hợp và tương hỗ với ngành công nghệ phần mềm đã phát triển tại Việt Nam. Hệ thống chip này đã được ứng dụng thành công trong việc nuôi thủy, hải sản tại Nha Trang”, ông Tuấn chỉ ra.
Theo GS.TS. Đặng Lương Mô, nhà khoa học về vi mạch tại Nhật, nguồn nhân lực thiết kế, làm được chip tại Việt Nam đã khá đông, khoảng 40 - 50 doanh nghiệp, với hàng ngàn kỹ sư giỏi.
Tuy nhiên, GS. Đặng Lương Mô nhấn mạnh, quan trọng nhất đối với ngành này là chế tạo, cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ USD. Để xây dựng một nền công nghiệp chip bài bản, cần phải có nhà máy đầu tư và thị trường.
“Làm chip Make in Vietnam lúc này có thể chậm, nhưng nếu bỏ qua thì sẽ để chậm mất mấy nhịp khi tham gia vào cuộc cách mạng số 4.0”, GS.TS Đặng Lương Mô lưu ý.
Dù vậy, các chuyên gia nhắc lại, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh không chỉ cần có vốn đầu tư. Tiếp cận công nghệ phù hợp, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định là bài toán nhiều ẩn số mà Việt Nam cần hướng đến ở thời điểm này.
Viettel, FPT thiết kế và sản xuất chip “Make in Vietnam”
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt bước vào cuộc đua này và sẵn sàng đón nhận thử thách, đồng thời, đạt được những nền tảng đầu tiên đáng khích lệ.
Như Sputnik đã thông tin, vào tháng 8/2022, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để nghiên cứu, sản xuất chip. Tập đoàn Quân đội Viettel cũng đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel chia sẻ, việc thiết kế và sản xuất chip 5G mang thương hiệu Viettel là một bước đi quan trọng trong hành trình tiến tới làm chủ toàn bộ công nghệ liên quan đến 5G của Viettel.
Ông Hà nhấn mạnh, Viettel cũng đặt quyết tâm vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip “Make in Vietnam”.
Để thực hiện điều này, ngoài việc hợp tác với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel cũng kết hợp với những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chip trong và ngoài nước, cùng đội ngũ nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu tại các trường đại học.
Hay vừa qua, FPT Semiconductor, công ty trực thuộc Tập đoàn FPT đã công bố dòng chip bán dẫn tích hợp đầu tiên của hãng được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Hàn Quốc.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đăng Hòa, Phó tổng giám đốc FPT Software cho biết, trong 2 năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip.
FPT cũng đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác trong năm 2023, phục vụ hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng.
Trả lời về những hoài nghi FPT chỉ thiết kế, gia công chip, lãnh đạo FPT chỉ nhấn mạnh rằng, trong ngành sản xuất chip thì thiết kế chip và thương mại chip là 2 khâu quan trọng nhất, gần như đã có mọi thứ, sản xuất chip thì hoặc đặt gia công hoặc đầu tư nhập dây chuyền sản xuất khi quy mô đủ lớn, công nghệ, dây chuyền đã có sẵn.
“Việc này gần giống như Apple chỉ thiết kế (kiểu dáng, màu sắc, vật liệu, tính năng) cộng thêm phần mềm iOS cho iPhone, còn sản xuất là việc của Foxconn và Luxshare, nhưng iPhone vẫn là của Apple”, ông Hoà lý giải.
Các chuyên gia cho rằng, để tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn, không có cách nào khác, Việt Nam phải gia công, làm thuê, tiến tới sản xuất chip IoT “Make in Vietnam”, sau đó mới phát triển công nghệ lõi.
Hầu hết các ý kiến đều có chung nhận định rằng, trước mắt, thực tế nhất, Việt Nam cần tham gia vào những công đoạn R&D.
Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất và tạo ra chip, linh kiện, chất bán dẫn bằng công nghệ “Make in Vietnam”.