Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Điều hành tiền tệ, tỷ giá, lãi suất chịu áp lực lớn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi Quốc hội đề cập về các chính sách điều hành tín dụng, giảm lãi suất vay cũng như các thách thức, rủi ro mà hệ thống ngân hàng có thể đối mặt thời gian tới.
Sputnik
Trong bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam chịu nhiều áp lực, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá chủ động.
Theo bà Hồng, các chính sách can thiệp của NHNN là phù hợp, vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp nhằm bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ

Là nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, Việt Nam dễ bị tác động ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu.
Thời gian qua, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, cụ thể, ở đây với vai trò Ngân hàng Trung ương, các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối mặt với nhiều khó khăn.
Để làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến điều hành tiền tệ, việc giảm lãi suất, ổn định tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 về lĩnh vực ngân hàng.
Báo cáo của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liệt kê những kết quả trong điều hành của NHNN năm qua, gồm các nhóm nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp lý, điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các biện pháp liên quan.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, trong những tháng đầu năm 2022, để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện ‘chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp’.
Theo bà Hồng, từ giữa tháng 6/2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã ‘kiểm soát chặt chẽ tiền tệ’ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.
“Kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam”, Thống đốc khẳng định.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, trong đó lạm phát CPI bình quân là 2,73%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,88%, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tháng 9/2022, Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định (Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm quốc gia kể từ đầu năm 2022 đến nay).
Đồng thời, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó.
Việt Nam ngược chiều gió

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói về việc giảm lãi suất

Như đã thấy, thời gian qua, tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND. Do đó, báo cáo Quốc hội về điều hành lãi suất 8 tháng qua, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng.
Từ đó, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
“Do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8/2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021”, lãnh đạo NHNN thừa nhận.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Fed tăng lãi suất nhanh, mạnh và dự báo đạt mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2023.
Để tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ.
Theo đó, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành, tăng từ 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại tổ chức tín dụng.

Điều hành tiền tệ, tỷ giá “chịu áp lực lớn”

Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay (đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3), tỷ giá và thị trường ngoại tệ “chịu áp lực lớn” từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế.
Cụ thể ở đây theo Thống đốc là Fed đẩy mạnh lộ trình thắt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao; đồng USD quốc tế có thời điểm tăng đến hơn 19%; xung đột Nga-Ukraina làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn làm giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao,….
Ngoài ra, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, cân đối cung – cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng. Trong bối cảnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.
“Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát”, Thống đốc cho biết.
Thống đốc cho biết, về cơ bản, hệ thống ngân hàng đã nhận thức được trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối, nâng cao tính kỷ luật và chuẩn mực thị trường ngoại tệ.
Điều này, theo bà Hồng,nhằm hướng tới mục tiêu chung là ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, vẫn còn nhiều khó khăn như áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do một số nguyên nhân như: các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh
Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.
“Cùng với đó, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng; tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND”, Thống đốc lưu ý.

Tín dụng BĐS tăng nhanh, cho vay chứng khoán giảm

Báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cho hay, tính tới 26/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,58 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm ngoái và là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.
Bà Hồng cho rằng, đánh giá đây là con số phù hợp với diễn biến phục hồi của nền kinh tế, trong một báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết liên quan đến chất vấn.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP. Trong khi các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Đến cuối tháng 8, tín dụng vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng gần 7,6%; ngành công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; tín dụng thương mại dịch vụ tăng 11,34%. Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn có mức tăng gần 9,3%; cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 10,54% hay công nghiệp hỗ trợ là 11,6%.
Trong đó, đáng lưu ý, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm ngoái và chiếm 20,92% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tín dụng cho mục đích vay tự sử dụng tăng hơn 20%, cho kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.
Còn vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán lại giảm rất mạnh trên 35% và chỉ còn chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng. Tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông cũng giảm 1,72% so với cuối năm ngoái và chiếm 0,88% tổng dư nợ.
Lãnh đạo NHNN cho hay, cơ quan chức năng đã giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ngân hàng Nhà nước cũngyêu cầu các tổ chức tín dụng khi cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản phải đi đôi với việc kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
“Hạn chế mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản có quy mô lớn”, NHNN nêu rõ.

Việt Nam đối mặt nhiều rủi ro

Theo người đứng đầu NHNN, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ, thị trường vốn ‘đang tồn tại một số vấn đề’ và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm.

“Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính”, bà Hồng nhắc lại.

Thống đốc cũng dẫn chứng rằng, các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (Moody’s) đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Điển hình như, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17%. Đó là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.
Đằng sau sự can thiệp của NHNN và biến động nhân sự cao tầng ở Ngân hàng SCB
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu. Từ đó, dẫn đến tồn ngân ngân quỹ Nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.
Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã thành lập các Đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 tại các ngân hàng thương mại cổ phần có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao và đặc biệt lưu ý đến những lĩnh vực tín dụng có tiềm ẩn rủi ro.
Thảo luận