‘Hậu’ bắt bà Trương Mỹ Lan, Chứng khoán Tân Việt TVSI nắm hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt

Sau sự ra đi đột ngột của Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) Nguyễn Tiến Thành và việc ông Hồ Bửu Phương, cựu Chủ tịch HĐQT TVSI bị bắt cùng Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, công ty này đã ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu cũng như lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Sputnik
Lợi nhuận sau thuế quý 3 giản đến 50% so với cùng kỳ, luỹ kế 9 tháng TVSI chỉ đạt 418 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, giao dịch gần 179.000 tỷ đồng trái phiếu trong 9 tháng đầu năm.
Báo cáo tài chính mới công bố cũng cho thấy, giá trị tài sản của Chứng khoán Tân Việt cuối tháng 9 đã tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm 2022, chủ yếu là tiền mặt.

Chứng khoán Tân Việt sụt giảm lợi nhuận

CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với sự suy giảm về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3 cho thấy, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Tân Việt đạt gần 634 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, đạt 274,8 tỷ đồng trong quý III, tăng nhẹ 3,3%.
Nguồn thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 91,4 tỷ đồng, giảm 41,4%. Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của Chứng khoán Tân Việt trong quý III giảm 28,3%, đạt 107,4 tỷ đồng. Thu từ lưu ký chứng khoán đạt 131,1 tỷ đồng, tăng 32,3%.
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động của Chứng khoán Tân Việt ghi nhận 455 tỷ đồng trong quý III, tăng 7,1%. Chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm cũng tăng 82% lên 112 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Chứng khoán Tân Việt giảm 59,2% so với cùng kỳ, đạt 75,3 tỷ đồng. Lãi sau thuế của công ty giảm 49,3%.
Như vậy, so với quý liền trước, doanh thu của Chứng khoán Tân Việt giảm khoảng 26%. Mức lợi nhuận trong quý III này của Chứng khoán Tân Việt ghi nhận thấp nhất kể từ quý IV/2020.
Quý IV/2021 ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục của Chứng khoán Tân Việt với doanh thu hoạt động gần 1.200 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 250 tỷ đồng.
Luật sư từng cãi giúp ông Đinh La Thăng bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan

Chứng khoán Tân Việt giữ hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt

Như đã biết, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) được thành lập ngày 28/12/2006 với số vốn điều lệ ban đầu 55 tỷ đồng.
Qua gần 16 năm hoạt động, TVSI đã có 6 lần tăng vốn, mà lần gần nhất vào năm 2021 với việc công ty nâng vốn điều lệ lên 2.639 tỷ đồng.
Cũng tính đến 31/12/2021, Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI) có 88 cổ đông. Trong đó, 10 cổ đông lớn nhất nắm đến giữ 91,54% vốn điều lệ của công ty. Báo cáo thường niên năm 2021 cho biết, TVSI có 3 đối tác chính là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Long (BLI) và Công ty Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM).
Chứng khoán Tân Việt là một trong những công ty chứng khoán có lượng giao dịch trái phiếu hàng đầu thị trường Việt Nam.
TVSI cũng giữ vai trò đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện chủ sở hữu trái phiếu.
Đáng chú ý, trong 9 tháng, công ty tự giao dịch lượng trái phiếu trị giá gần 179.000 tỷ đồng còn nhà đầu tư giao dịch hơn 181.000 tỷ đồng.
Hiện tại, tổng giá trị tài sản của Tân Việt chốt tại ngày 30/9 hơn 9.709 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là tiền mặt.
Các khoản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản gồm cho vay (3.820 tỷ đồng), đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (601 tỷ đồng), tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (2.073 tỷ đồng) và tiền và tương đương tiền (3.048 tỷ đồng).
Công ty hiện quản lý khoảng 12.760 tỷ đồng tài sản tài chính niêm yết, đăng ký giao dịch tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và 1.200 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.

Chứng khoán Tân Việt sắp tổ chức Đại hội cổ đông bất thường

Những biến động gần đây có tác động không nhỏ đến Chứng khoán Tân Việt.
Như Sputnik đã thông tin, hôm 8/10, Bộ Công an ra thông báo về việc bắt Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng thuộc cấp, trong đó có cả cựu lãnh đạo Chứng khoán Tân Việt.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Huệ Vân (34 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Hồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Ngay sau sự việc này, Chứng khoán Tân Việt đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định đang làm việc với đơn vị phát hành trái phiếu để có phương án đảm bảo thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư trước hoặc đúng hạn.
Ngày 1/12 tới đây, Chứng khoán Tân Việt sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm báo cáo về việc đã bầu ông Nguyễn Việt Cường vào vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty.
Trước đó, TVSI đã bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Cường giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty từ ngày 7/10/2022 thay thế cho ông Nguyễn Tiến Thành đã qua đời ngày 6/10 như Sputnik đã thông tin trước đó.
Đồng thời, Đại hội bất thường vào tháng 12 tới cũng dự kiến báo cáo về “các biến cố” của Công ty và các phương án ứng phó, thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, Đại hội cổ đông lần này cũng sẽ thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Ban kiểm soát của ông Trần Hữu Thành và bầu bổ sung thành viên khác.
Hôm 10/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định theo dõi sát tình hình, có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Về quan hệ SCB - Vạn Thịnh Phát, vụ bắt bà Trương Mỹ Lan và tín nhiệm của Việt Nam
Nhà chức trách Việt Nam nhấn mạnh rằng, các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật, Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành - bên phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Các công ty đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu.
“Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Thảo luận