Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới, cổ phiếu Thép Hoà Phát và Vinhomes bị bán tháo

Chứng khoán Việt đỏ lửa, giảm mạnh nhất châu Á và thế giới. VN-Index lao dốc gần 40 điểm, bốc hơi mất hơn 154.00 tỷ đồng ngày 21/10.
Sputnik
Phiên giao dịch cuối tuần thứ Sáu ngày 21/10 đáng thất vọng khi VN-Index chứng kiến 453 mã giảm giá, trong đó 137 mã giảm kịch sàn.
Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), CTG, TCB, GAS (PetroVietnam Gas), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), MWG (Thế giới di động), MSN (Masan) đều giảm.

Chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới, điều gì đang xảy ra với VN-Index?

Chứng khoán Việt Nam ghi nhận thêm lần giảm mạnh nhất thế giới, vốn hoá bay hơi hơn 154.00 tỷ đồng.Diễn biến gần như không ai ngờ tới vì sự kiện SCB, Vạn Thịnh Phát hay Tân Việt vốn được cho là đã lắng xuống.
Bắt đầu phiên giao dịch sáng nay 21/10, sắc đỏ ngập tràn các sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam. Trong khi kỳ vọng được đặt ở rổ VN30 thì xu hướng giảm kéo dài từ đầu đến cuối phiên, càng về sau mức giảm càng mạnh đã dập tắt hy vọng của không ít nhà đầu tư khi chứng kiến toàn cảnh đỏ sàn.
Đáng chú ý, diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt phiên cuối tuần rất xấu dù hôm nay không xuất hiện thông tin trong nước, quốc tế nào quá tiêu cực - đặc biệt là tin đồn bắt giam lãnh đạo doanh nghiệp hay ‘thanh lọc thị trường’. Tuy nhiên, thực tế, thời gian gần đây, chứng khoán Việt Nam đã thường xuyên vào nhóm có chỉ số đại diện giảm mạnh nhất châu Á cũng như toàn thế giới.
Hôm nay, bên cạnh lực bán chủ động, không ít nhà đầu tư còn bị công ty chứng khoán kích hoạt bán tháo (force sell) khiến vốn hoá thị trường bay hơi hơn 154.000 tỷ đồng, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động và gây thất vọng.
Kết phiên giao dịch thứ Sáu ngày 21/10, chỉ số VN-Index chính thức khép lại một ngày “lên thang bộ xuống thang máy” với mức giảm 38,63 điểm (-3,65%), lùi về 1.019,82 điểm. VN-Index xuống thấp nhất ở mức 1.019 điểm, còn cách không xa vùng đáy ở phiên 11/10 vừa qua, đồng thời, nỗ lực hồi phục thị trường trong những ngày qua cũng tan biến hoàn toàn.
Trong số này, như đã đề cập, diễn biến ở rổ VN30 đặc biệt khốc liệt khi để mất tới 42,69 điểm (-4,05%) xuống 1.010,57 điểm. Không có nhóm cổ phiếu nào đi ngược thị trường, bên bán hoàn toàn lấn át bên mua. Đồng thời, đà giảm của thị trường còn mạnh hơn trong phiên chiều, với việc hàng T+2 về tài khoản nhà đầu tư.
Cả sàn HNX và rổ HNX30 cũng chung cảnh lao dốc, lần lượt có mức giảm 21,26 điểm (-5,56%) xuống 360,92 điểm và 8,47 điểm (-3,75%) xuống 217,41 điểm. Trong khi đó sàn UpCOM cũng bị giảm 2,21 điểm (-2,74%) xuống 78,57 điểm.
Đóng phiên hôm nay có tới 884 mã chứng khoán giảm giá (gồm 234 mã giảm sàn), nhiều gấp 5 lần số mã tăng. Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên toàn thị trường đạt hơn 16.640 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay giảm mạnh nhất thế giới là tín hiệu xấu. Dữ liệu củaStockq, top 2 thị trường chứng khoán bị giảm hàng đầu thế giới lần lượt rơi vào Việt Nam (chỉ số VN-Index của Việt Nam vừa ghi nhận phiên giảm mạnh nhất thế giới, tiếp đến là thị trường Tây Ban Nha và Hungary với -2,05%).

Rổ VN30 bị bán mạnh

Trong phiên hôm nay, lực bán quá mạnh đẩy thanh khoản tăng vọt.
Giá trị khớp lệnh trên sàn TP.HCM HoSE đạt ngưỡng 13.100 tỷ đồng, cao gần gấp đôi phiên hôm trước. Dù vậy, thanh khoản thị trường cơ sở vẫn kém xa phái sinh.
Nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt bán ra nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), GAS (PetroVietnam Gas), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), MWG (Thế giới di động), MSN (Masan).
Trong khi đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank) cũng liên tục bị bán tháo, khiến thị trường giảm càng sâu và đỏ lửa.
Không chỉ ‘đỏ ngầu’ từ các mã vốn lớn như VHM, CTG, MSN, GAS, HPG, VIC mà mức giảm ở nhóm VN30 cũng tương đối lớn, khi hơn một nửa số cổ phiếu trong rổ VN30 giảm trên 3%. Điển hình như GVR, MWG, CTG, SSI, TCB, STB đều giảm. Cũng trong rổ này, lực bán mạnh cũng đẩy 28 cổ phiếu giảm giá, trong đó 6 mã giảm hết biên độ.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 11 giảm mạnh trong ngày đầu tiên giao dịch. VN30F2211 giảm 52,5 điểm xuống 985 điểm. Giá trị giao dịch lên gần 42.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cơ sở. Các hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó có hợp đồng tháng 6/2023 giảm sàn.
Một số cổ phiếu nỗ lực ghìm thị trường lao dốc đáng ghi nhận như SAB (Sabeco), VPD (Phát triển điện lực Việt Nam), KDC (Tập đoàn KIDO), PGD (Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam) khi đâu đó còn sắc xanh tăng trưởng nhưng cũng không thể giúp VN-Index đảo chiều.
Toàn phiên hôm nay, chỉ số của toàn bộ các nhóm ngành đều rơi xuống mức âm. Trong đó, mức giảm sâu nhất và nhì lần lượt rơi vào ngành năng lượng (-6,5%) và ngành nguyên vật liệu (-6,3%).
Nhóm ngành còn lại như bất động sản, công nghiệp, dịch vụ tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, tài chính, công nghệ thông tin bị giảm 3-5,5%. Ngành chăm sóc sức khỏe có mức giảm thấp nhất (-2,1%).
Chứng khoán Tân Việt sẽ tổ chức họp trực tuyến cùng nhà đầu tư

HPG và VHM bị xả khổng lồ

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài cùng tháo chạy với nhà đầu tư trong nước khi khối ngoại bán ròng gần 440 tỷ đồng.
Tổng giá trị bán trên HoSE tăng vọt lên 1.775,3 tỷ đồng, quy mô bán tuyệt đối cao nhất trong vòng 2 tuần, tập trung mạnh nhất ở HPG (232 tỷ đồng), VHM (153 tỷ đồng), VND (83 tỷ đồng), STB (56 tỷ đồng)…
Trong số này, HPG của Thép Hoà Phát bị xả khổng lồ với 232,6 tỷ đồng ròng. Trên 14 triệu HPG của tỷ phú Trần Đình Long bị khối này bán ra, chiếm hơn 31% tổng thanh khoản.
Tiếp đó, VHM của ông Phạm Nhật Vượng cũng bị bán ròng 153,2 tỷ, với lượng bán chiếm gần 62% thanh khoản gây chú ý.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, khối ngoại giải ngân mua ròng tập trung ở VNM +95,6 tỷ, MSN +51,1 tỷ, VCB +45,5 tỷ, FRT +40 tỷ…
Phiên giảm mạnh đã thổi bay hơn 154.000 tỷ đồng (~ 6,5 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 21/10, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn gần 4,1 triệu tỷ đồng, mất gần 2 triệu tỷ đồng so với thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 4 năm nay.

Điều gì chờ đợi chứng khoán Việt Nam?

Theo Chứng khoán Yuanta, những phiên sụt giảm mạnh đã khiến định giá của chứng khoán Việt Nam trôi về mức rất thấp.
Cụ thể, Yuanta ước tính P/E forward 2022 của VN-Index đạt 9,7x, tương đương đáy Covid-19 hồi tháng 3/2022.
“Trong lịch sử lạm phát thấp kể từ năm 2013 chỉ có duy nhất 3 lần mức P/E forward dưới mức 11.x. Điều này cho thấy rất hiếm khi thị trường chứng khoán có mức định giá thấp như hiện nay’, Yuanta nêu quan điểm.
Mặc dù triển vọng dài hạn vẫn được đánh giá lạc quan nhưng thị trường được dự báo sẽ vẫn còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong ngắn hạn.
‘Hậu’ bắt bà Trương Mỹ Lan, Chứng khoán Tân Việt TVSI nắm hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt
Ở thời điểm này, theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm, do đó nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục đứng ngoài thị trường quan sát các diễn biến tiếp theo trong vài ngày tới.
Cùng với đó, thông tin về kết quả kinh doanh trong quý 3 sẽ có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng thị trường thời gian tới bên cạnh những tác động từ bên ngoài, như việc Fed dự kiến tăng lãi suất tại kỳ họp vào tháng 11 này.
Thảo luận