Quan hệ Việt - Hàn thăng hoa nhờ vào ‘quyền lực mềm’

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc gặt hái được nhiều điểm sáng, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin mới đây càng củng cố hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.
Sputnik
Không dừng lại ở đó, Việt Nam và Hàn Quốc hy vọng có thể nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay. Trong đó, văn hóa luôn là nhân tố quan trọng.

Nền tảng phát triển giao lưu văn hóa Việt - Hàn

Trao đổi với Sputnik, PGS. TS Phạm Lan Oanh, Viện phó Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định rằng:

“Kinh tế là nền tảng để phát triển giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc”.

PGS. TS Phạm Lan Oanh cho biết, số lượng người Việt Nam sang Hàn Quốc du lịch lớn hơn rất nhiều so với sang Nhật Bản. Chính sách nhập cảnh của Hàn Quốc đối với khách du lịch rất cởi mở và Hàn Quốc làm du lịch rất chuyên nghiệp.

“Đấy là cách người Hàn Quốc thu được những nguồn lợi kinh tế và Việt Nam đang cố gắng học hỏi từ bài học rất nhỏ như vậy. Ở một phương diện nào đó, Việt Nam đã học được tương đối”, bà Oanh nhấn mạnh.

PGS. TS Phạm Lan Oanh, Viện phó Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), Bộ VHTT-DL
Theo chuyên gia trên, văn hóa Hàn Quốc dựa trên ba trụ cột là “truyền bá”, “hấp thu” và “cộng sinh”. Nghĩa là, dạng thức văn hóa tự thân “truyền bá” ra ngoài, “hấp thu” văn hóa ngoại quốc ưu tú trong giao lưu “cộng sinh” ra cái mới.
Trong khi đó, Việt Nam giao lưu với thế giới có ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế ngoại giao văn hóa nhằm xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”. Với ý nghĩa đó, hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước luôn được coi trọng, thường xuyên được diễn ra, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

“Sự kiện lễ hội Du lịch-Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 khai mạc vào ngày 16/10 vừa qua không nằm ngoài chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam đối với các nước trong đó Hàn Quốc là một điểm đến. Như chúng ta đã biết, tất cả tinh hoa văn hóa Việt Nam gắn với nghệ thuật biểu diễn được trình diện qua các tiết mục gắn với các nghệ sĩ”, PGS. TS Phạm Lan Oanh cho biết thêm.

Việt Nam-Hàn Quốc duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc cấp cao
Các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước trong những năm gần đây là phương tiện tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”.

“Bên cạnh đó, sự hiện diện của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc gắn với chương trình giao lưu nghệ thuật cho thấy rằng, không chỉ lực lượng chuyên nghiệp mà từ phía người dân cũng được chăm lo để có thể giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam ra các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc - đối tác chiến lược của Việt Nam”, bà Oanh phân tích.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, vấn đề lớn nhất trong giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc là chưa có sự giao lưu cân bằng hai chiều. Hiện mới chỉ có văn hóa Hàn Quốc đang đơn phương du nhập vào Việt Nam giữa dòng chảy khổng lồ của làn sóng Hallyu.
Các cán bộ nghiên cứu tại Góc Văn hóa Hàn Quốc, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS)

Mỗi cá nhân là một cầu nối

Là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu, đào tạo văn hóa nghệ thuật, VICAS luôn đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó phải kể đến những đóng góp không ngừng nghỉ của TS. Park Nark Jong, Chuyên gia Văn hóa làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS).

“Trong thời gian làm chuyên gia văn hóa làm việc tại VICAS, TS.Park Nark Jong đã có những buổi thuyết trình về công nghiệp văn hóaHàn quốc cho các nghiên cứu sinh, giảng viên của VICAS và các trường, viện của Bộ VHTT-DL. Ông và những người bạn cũng là người tài trợ 500 bản sách và tạp chí cho góc Văn hóa Hàn Quốc. Góc Văn hóa Hàn Quốc tại Trung tâm thư viện của VICAS góp phần giới thiệu các nét đẹp trong văn hóa Hàn Quốc tới người dân Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, PGS. TS Phạm Lan Oanh cho biết.

TS. Park Nark Jong đã tài trợ 500 bản sách và tạp chí cho Góc Văn hóa Hàn Quốc tại VICAS
TS. Park Nark Jong có 4 năm giữ vị trí đứng đầu Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, và hơn 30 năm làm công chức trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Hàn Quốc. Ông góp phần xây dựng các mối quan hệ mật thiết giữa các tổ chức ở Việt Nam và Hàn Quốc, đưa ra các định hướng phát triển và thực hiện các hoạt động quảng bá văn hóa và tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

“Với khả năng và sự nỗ lực của mình, ông ấy đã nhận được sự yêu mến và biết đến của nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam. Với cá nhân tôi, tôi luôn mến mộ TS. Park Nark Jong như một nhà nghiên cứu và nhà tổ chức tài năng, một đại sứ thân thiện, cầu nối giữa văn hóa hai nước”, PGS. TS Phạm Lan Oanh chia sẻ với Sputnik.

Thảo luận