Mới đây, nêu ý kiến phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ông Hiếu nêu rõ:
"Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 hiện nay ngày càng giảm xuống".
Về vấn đề này, chiều 25/10, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 514 ca mắc Covid-19 (giảm 32 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, có thêm 446 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Dù dịch bệnh đang được kiểm soát, số ca mắc giảm mạnh nhưng Việt Nam chưa thể công bố kết thúc đại dịch Covid-19.
Tại TP.HCM, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vẫn là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành y tế trong quý 4 này.
Theo chia sẻ của một chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng với Tuổi Trẻ, hiện nay các biến thể mới của COVID-19 vẫn liên tục xuất hiện. Thời gian gần đây, khu vực tây Thái Bình Dương ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy việc tăng giảm ca mắc chưa ổn định.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố kết thúc "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" đối với COVID-19. Đến nay, WHO vẫn họp thường kỳ về tình trạng dịch bệnh 3 tháng/lần. Kỳ họp gần nhất vào tháng 9, WHO vẫn yêu cầu các nước tăng cường giám sát, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện WHO cũng cho rằng thế giới đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Mặc dù chưa đạt đến mức đó nhưng cần phải bước tới để nắm bắt cơ hội này.
Trả lời Hànộimới, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình Covid-19 trên thế giới hiện vẫn còn phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Nếu công bố chấm dứt dịch, Việt Nam sẽ đối mặt với hai thách thức.
Thứ nhất, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng vi rút mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng, chống.
Thứ hai, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng, chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động.
Trước thực tế, dịch Covid-19 tại nước ta đang được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh.