Hãng đấu giá MILLON "quay xe", tiếp tục cho đấu giá bảo vật Việt Nam?

HÀ NỘI (Sputnik) - Liên quan đến cuộc đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", Hãng đấu giá MILLON bất ngờ rút thông báo hoãn cuộc đấu giá chiếc ấn, tiếp tục cho cuộc đấu giá diễn ra vào trưa nay 31/10.
Sputnik
Ngày 31/10, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trang web chính thức của Hãng đấu giá MILLON ở Pháp bất ngờ rút thông báo hoãn cuộc đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được cho là của vua Bảo Đại.
Theo thông báo trước đó của MILLON, cuộc đấu giá chiếc ấn sẽ được lùi lại vào ngày 10/11 thay vì diễn ra vào trưa nay 31/10.
Pháp đấu giá bảo vật Việt Nam – kim ấn Hoàng đế chi bảo, Bộ Ngoại giao sẽ can thiệp?
Tuy nhiên, theo diễn biến mới nhất, Hãng MILLON ở Pháp đã rút thông báo hoãn cuộc đấu giá chiếc ấn vàng, thay vào đó là thông tin chiếc ấn vẫn sẽ được đưa lên sàn đấu giá vào trưa 31/10 như thông báo trước đó.
Ngoài chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", cuộc đấu giá trưa nay cũng sẽ cho lên sàn nhiều cổ vật quý giá như chiếc bát vàng ngự dụng, chiếc kim bài bằng vàng, hàng loạt đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn và tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam nổi tiếng như Mai Trung Thứ, Đinh Cường, Bùi Xuân Phái…
Liên quan đến cuộc đấu giá này, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua nhà Nguyễn), cho biết hội đồng cũng vừa có thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị can thiệp hủy cuộc đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
Thêm nhiều cổ vật của Việt Nam lên sàn đấu giá Pháp
Trong thư viết:
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật của Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường. Chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý việc vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, vua Bảo Đại, "được cho là" đã chuyển nhượng quyền thừa kế các đồ vật đó, trong khi chiếc ấn của vua Minh Mạng cũng như chiếc bát bằng vàng nói trên, đều là những vật quốc bảo. Chúng tôi tự hỏi: với quyền hạn nào, Đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa. Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không?".
Thảo luận