IPP Air Cargo bất ngờ xin dừng cấp phép, vì sao ông Johnathan Hạnh Nguyễn đổi ý?

Vì sao IPP Air Cargo của vợ chồng ‘vua hàng hiệu’ Johnathan Hạnh Nguyễn – Lê Hồng Thuỷ Tiên bất ngờ xin rút hồ sơ và dừng cấp phép vận chuyển hàng hoá?
Sputnik
Theo những gì bà Lê Hồng Thuỷ Tiên trình bày trong văn bản gửi Chính phủ, mặc dù hồ sơ của IPP Air Cargo đã được hầu hết các bộ ngành, cơ quan quản lý ủng hộ, chỉ còn chờ được phê duyệt, nhưng biến động kinh tế thế giới khiến kế hoạch vận hành hãng hàng không vận tải hàng hoá đầu tiên tại Việt Nam bị đình trệ.

Vì sao IPP Air Cargo bất ngờ xin dừng cấp phép bay vận tải hàng hóa?

Công ty Cổ phần IPP Air Cargo của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã gửi Công văn số 127/22/CV-IPPAC gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hoá hàng không.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần IPP Air Cargo, công văn này do bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc công ty ký ngày 27/10/2022.
Công ty cổ phần IPP Air Cargo cho biết, theo Tờ trình số 01-22/TT-IPPAC ngày 14/1/2022 kèm Hồ sơ xin phê duyệt cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo, đến thời điểm này “về cơ bản công ty đã đáp ứng đầy đủ” các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ còn thiếu cái gật đầu của Thủ tướng
Bà Tiên dẫn chứng ra các quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung (Nghị định 30), Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định 92) và Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92 và Nghị định 30.
Tuy nhiên, gần đây, thế giới đang chịu tác động từ xung đột Nga - Ukraina và ngày 13/10/2022, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần "một cách nguy hiểm" đến suy thoái do lạm phát, lãi suất tăng và gánh nặng nợ ngày càng tăng ảnh hưởng tới các nước đang phát triển và tình hình này có thể kéo dài đến 2023-2024.
Cùng với đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu, kéo theo hàng loạt các hệ lụy về lạm phát, lãi suất tăng, biến động về giá nhiên vật liệu.

“Trước tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay, cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo quyết định rút hồ sơ và xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo”, - bà Lê Hồng Thuỷ Tiên cho biết.

IPP Air Cargo sẽ quay trở lại

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, IPP Air Cargo cũng nhấn mạnh, dù tạm xin dừng cấp phép, nhưng họ sẽ quay trở lại.
Đại diện Công ty cổ phần IPP Air Cargo nêu rõ, khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, IPP Air Cargo sẽ cân nhắc trở lại vào “thời điểm thích hợp” xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới, bao gồm việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép từ đầu, theo đúng chủ trương và quy định của nhà nước Việt Nam tại thời điểm nộp hồ sơ.
“Hy vọng, khi tình hình kinh tế cải thiện, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo sẽ được khởi động lại dự án để góp phần vào việc chuyên nghiệp hóa vận chuyển hàng hóa hàng không và đem lại lợi ích cho các công ty FDI cũng như các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam”, - phía IPP Air Cargo bày tỏ.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Air Cargo Johnathan nói với VnExpress hôm 29/10 cũng xác nhận, tình hình kinh tế thế giới sẽ khó khăn và vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không dự kiến sụt giảm.
Cục hàng không Việt Nam ‘bật đèn xanh’ cho IPP Air Cargo của ‘ông trùm’ hàng hiệu
‘Vua hàng hiệu’ bày tỏ rằng, hiện nay giá cước hàng hoá bằng đường hàng không đã trở về mức mà các doanh nghiệp FDI và công ty xuất nhập khẩu Việt Nam chấp nhận được.

“Vì vậy, chúng tôi quyết định tạm dừng để tránh gây thêm thiệt hại cho các hãng hàng không còn đang thua lỗ”, - ông Hạnh Nguyễn thừa nhận và nói thêm rằng IPP Air Cargo cũng phải chịu nhiều thiệt hại vì tình hình chung.

Ông Hạnh Nguyễn cũng nhấn mạnh IPP Air Cargo sẽ cân nhắc trở lại chấp nhận việc nộp sơ xin cấp phép lại từ đầu vào thời điểm thích hợp khi thị trường thế giới hồi phục và ổn định hơn.

Quốc tịch cổ đông và quyền sở hữu IPP Air Cargo

Như Sputnik đã thông tin, công ty cổ phần IPP Air Cargo thành lập vào ngày 10/3/2021, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD,
Trước đó, IPP Air Cargo đã hoàn tất các thủ tục xin cấp phép vận chuyển hàng không của cơ quan quản lý nhà nước, và đã được Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.
Trong quá trình xin ý kiến thẩm định, hồ sơ xin cấp phép của IPP Air Cargo đã được hầu hết các bộ ngành, cơ quan quản lý ủng hộ, trong đó có cả ý kiến ủng hộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương.
Trong thông báo của Bộ GTVT, IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo FlightGlobal, vấn đề quyền sở hữu hãng bay dường như vẫn gây lấn cấn.
Đáng lưu ý, trước đó, khi góp ý kiến về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty CP IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông.
Theo kế hoạch công bố trước đó, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn 100% vốn Việt Nam
Thực tế, trước khi bất ngờ rút lui, IPP của ông Hạnh Nguyễn đã lên kế hoạch đưa vào khai thác 5 máy bay chở hàng gồm 3 chiếc Boeing 737-800F và 2 chiếc Boeing 777F, số lượng máy bay sẽ tăng dần theo từng năm để đảm bảo đến đến năm thứ 5 có 10 máy bay (7 chiếc Boeing 737-800F và 3 chiếc Boeing 777F) hoạt động.
Mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... tới trung tâm vận chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu.
IPP Air Cargo cũng đã lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
‘Vua hàng hiệu’ Nguyễn Hạnh, Chủ tịch IPP Air Cargo đã cam kết công ty sẽ áp dụng theo điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.
Thảo luận