Thành phố Hồ Chí Minh "không may mắn"

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong thời gian vừa qua, TP.HCM ghi nhận tăng trưởng tốt ở nhiều chỉ số kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thành phố đang chịu hai sức ép - từ bên ngoài do bối cảnh thế giới và nội tại khi hàng loạt vụ án kinh tế tác động đến thị trường.
Sputnik
Tại Phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm của TP.HCM chiều 1/11, Sở Tài chính cho biết số thu ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm ước đạt gần 393.000 tỷ đồng, vượt 1,61% dự toán năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ.
Đồng thời, thu từ khu vực kinh tế cũng tăng gần 12% do tăng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp và số thuế giá trị gia tăng trên địa bàn. Tuy nhiên, xét về số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động, TP.HCM cũng đứng đầu cả nước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
"Có ý kiến cho rằng với tình huống phát sinh từ bên ngoài và nội tại của thành phố, việc đặt vấn đề 2023 tăng tốc là khó, giữ được như năm nay đã mừng rồi", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ đầu cuộc họp.
Nói về vấn đề nội tại của TP HCM, ông Mãi đánh giá cải cách hành chính còn nhiều hạn chế như số hoá "nửa vời" khi nhiều cơ quan "đi hai chân" - vừa hồ sơ giấy, vừa hồ sơ điện tử...
Theo Zing, tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), thành phố nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn. Đầu tiên là tác động từ tình hình chung của thế giới khi xu hướng suy thoái tương đối rõ, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất. Sự trì trệ chung của các nền kinh tế cùng với gãy đổ chuỗi cung ứng làm tăng chi phí logistics sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của TP.HCM.
Kiều hối chảy về TP.HCM đạt gần 5 tỷ USD trong 9 tháng
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ, tác động tại TP.HCM là thị trường hàng xuất khẩu khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm so với tháng 9 dù tăng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn ngay từ quý I khi thị trường các nước bị tác động bởi lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Lịch đánh giá thành phố "không may mắn" khi phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn trong bối cảnh khó khăn. Từ quý IV/2022 đến 2023, mọi dự báo đều cho thấy kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái tương đối rõ. Lạm phát tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đẩy kinh tế thế giới đi vào trì trệ.
Quan trọng hơn, theo TS Trần Du Lịch, là các động thái thắt chặt thị trường tài chính và bất động sản, bởi độ nhạy của TP đối với các chính sách vĩ mô cao hơn các địa phương khác rất nhiều, dù là chính sách có tác động tích cực hay tiêu cực.
"Tôi dự báo nếu dòng vốn của nền kinh tế chậm lại chỉ trong 2 quý thì sẽ không chỉ ảnh hưởng năm 2023 mà cả 2024. Do đó, tôi kiến nghị TP chủ động theo dõi, tìm hướng xử lý tốt nhất và đề xuất với các cấp thẩm quyền để sớm khơi thông dòng vốn giữa thị trường tài chính và bất động sản. Còn cái gì trong phạm vi thẩm quyền của TP có thể làm được thì phải làm tối đa", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Kinh tế Việt Nam: Còn quá sớm để khẳng định về cuộc đại suy thoái
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng thành phố đang chịu hai sức ép - từ bên ngoài do bối cảnh thế giới; và nội thương từ bên trong do tình hình không ổn định khi hàng loạt vụ án kinh tế tác động đến thị trường.
"Thành phố cần nhìn thẳng, trực diện vào tình hình đang xấu đi từ tháng 9 tới nay", ông nói.
Nguyên nhân theo ông là có nhiều thay đổi như Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất; quy mô dự trữ ngoại hối giảm... Đặc biệt là các vụ điều tra liên quan sai phạm của các tập đoàn lớn tác động mạnh đến thị trường,...
Do đó, ông nhìn nhận trọng tâm trước mắt trong 2 tháng cuối năm là bảo vệ an toàn cho hệ thống ngân hàng thương mại và khôi phục niềm tin của thị trường vào khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý, trong đó có việc xử lý các thông tin không chính xác về các doanh nghiệp.
Trong kết luận cuối phiên họp, theo VNExpress, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng trong tháng 10 tại địa bàn xuất hiện nhiều tình huống mới, như các vấn đề xoay quanh Ngân hàng Sài Gòn - SCB ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - chính trị, tác động đến ngân hàng, tài chính, bất động sản. Tình trạng cung ứng xăng dầu cũng tạo tâm lý thiếu tin tưởng, ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Từ thực tế này, Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt ra nhiệm vụ cho từng sở ngành, địa phương, tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay để "giải phóng sức mạnh" của thành phố. Để thu hút đầu tư FDI, thành phố cũng cần xác định tiêu chí, chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để sẵn sàng đón dòng vốn dịch chuyển đầu tư vào thành phố.
Thảo luận