Thủ tướng Phạm Minh Chính: Có phương án giao đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công thương

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đang tính toán phương án thống nhất theo hướng giao đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công thương.
Sputnik
Chiều 2/11, chia sẻ với Thanh Niên bên hành lang Quốc hội liên quan đề xuất giao quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
"Trước hết cần phải đánh giá lại, trên cơ sở đó mới tính toán phương án theo hướng thống nhất. Hướng là giao cho Bộ Công thương", Thủ tướng nói.
Trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc quy quản lý xăng dầu về một đầu mối và giao cho Bộ Công thương là "hợp lý".
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để nắm bắt tình hình, giải pháp cho thị trường dịp cuối năm.
Cần xem xét thực tế nguồn cung xăng dầu có đủ hay không
Đáng lưu ý, trong cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã phân tích thẳng thắn và nhấn mạnh về sự phụ thuộc của Việt Nam đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam luôn khẳng định chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất. Nhưng trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy trong nước sản xuất thì có đến một nửa trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Nguồn dầu thô này vẫn phải nhập từ nước ngoài về nên phải phụ thuộc vào thị trường thế giới.
“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm và chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, ông Diên nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, khủng hoảng năng lượng đang là vấn đề toàn cầu và dự báo càng ngày sẽ càng gay gắt trong thời gian tới. Đặc biệt là mùa đông châu Âu đang đến gần và hạn cuối của lệnh trừng phạt Nga lần thứ 8 sẽ đến gần.
16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ được "bơm" tiền?
Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp đầu mối khó nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài là tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao. Trong đó, tỷ giá ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh để nhập khẩu xăng dầu biến động hàng giờ. Các chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tăng cao.
Vì vậy, Ông Diên cũng nhấn mạnh, việc đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt, cả các thị trường lớn đang rất căng thẳng.
Thảo luận