Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đang làm rất tốt, để “thanh lọc”, làm sạch và lành mạnh hoá thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngăn chặn dòng tín dụng quá nóng đổ vào kênh rủi ro như bất động sản.
Giới phân tích quốc tế cũng khẳng định, sẽ không có cuộc khủng hoảng nào đối với thị trường cận biên như Việt Nam sau các sự kiện ở Vạn Thịnh Phát, SCB.
Sự lạc quan của giới đầu tư
Thị trường tài chính ở Việt Nam - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, đang bất ngờ rơi vào tình trạng trượt dốc đáng lo ngại. Tuy nhiên, đằng sau đó là những nỗ lực đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo Reuters và DealStreelAsia, đây là diễn biến có thể hiểu và lý giải được khi các cơ quan hữu quan quản lý chặt hoạt động cấp tín dụng, cho vay bất động sản, đồng tiền nội tệ của Việt Nam mất giá, lãi suất điều hành tăng, tạo áp lực không nhỏ lên các ngân hàng và gây suy giảm niềm tin ở cả phía nhà đầu tư lẫn khách hàng, người dân.
Dù là điều không mong muốn nhưng diễn biến của Đồng Việt Nam và chỉ số benchmark đo “sức khoẻ” thị trường chứng khoán Vn-Index đang ghi nhận kết quả hoạt động kém khả quan nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dù trước đó, gần như, chỉ có thị trường chứng khoán Hồng Kông và Nga suy giảm mạnh nhất, tụt dốc nặng nề nhất trên toàn cầu trong năm nay.
Điển hình như hồi cuối tháng 10, thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm về mức thấp nhất trong 13 năm qua khi giới đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và thất vọng trước bài phát biểu chính sách của Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu (John Lee).
Việc bán tháo, thanh khoản kỷ lục từ cổ phiếu bất động sản và lan sang cả thị trường trái phiếu rộng hơn đã làm không ít nhà quản lý quỹ nước ngoài bị bất ngờ.
Theo Reuters, họ từng kỳ vọng lớn vào Việt Nam - quốc gia thu hút đầu tư sản xuất mạnh mẽ từ những ông lớn như Apple và Samsung hậu COVID-19, họ cũng đã từng đặt cược vào đà hồi phục đầy hứa hẹn của thị trường chứng khoán quốc gia Đông Nam Á đang vươn lên thần tốc.
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, vốn được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á trong năm tới”, Reuters phân tích.
Theo Mohamed Faiz Nagutha, chuyên gia kinh tế về khu vực ASEAN tại Bank of America Securities nhận định rằng, chắc chắn không có việc thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam đổ vỡ, nhưng áp lực hiện tại là không thể phủ nhận.
“Thị trường tài chính không sụp đổ, nhưng hiện đang chịu rất nhiều áp lực,” Mohamed Faiz Nagutha, nhà kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities, bình luận với Reuters khi đánh giá về diễn biến tỷ giá hối đoái và nền kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia của Bank of America Securities cũng lưu ý, đây có thể là kỳ hạn sáu tháng khó khăn mà Việt Nam phải trải qua.
“Thế áp lực đè nặng có thể xảy ra trong thời gian tới và không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước cần phải can thiệp phá giá tiền đồng hoặc tăng lãi suất thêm lần nữa”, nhà kinh tế Mohamed Faiz Nagutha dự đoán.
Theo Reuters, hiện nay, hầu hết mối quan tâm của thị trường đang tập trung vào tác động kép của công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Việc Việt Nam nỗ lực làm sạch thị trường, làm lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, và quyết định “chống tham nhũng” ngày càng mở rộng sang lĩnh vực bất động sản - vốn thu hút mạnh mẽ giới doanh nhân, môi giới trung gian và các đơn vị phát triển nổi tiếng hàng đầu đất nước cũng như nỗ lực đóng băng thị trường nợ - đã thúc đẩy tâm lý quan ngại, lo lắng, bất an nơi nhà đầu tư. Đây là điều khó tránh ở bất kỳ quốc gia nào.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang ‘rục rịch’ nâng lãi suất huy động lên 200 điểm cơ bản trong vòng chưa đầy một tháng, để bắt kịp đà tăng trên toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng trần lãi suất, khiến USD mạnh lên và gây nên cuộc chiến tiền tệ ở khắp nơi.
Việt Nam chỉ mới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, nới biên độ tỷ giá lên 5% khiến giá trị VND suy giảm 4% xuống mức thấp kỷ lục vào tháng trước, mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. Nhưng đây là động thái mà giới phân tích gắn với dòng vốn ra của nhà đầu tư nước ngoài do Việt Nam liên tục thặng dư thương mại.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đã đặt Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - ngân hàng thương mại tư nhân lớn thứ năm cả nước, vào diện theo dõi đặc biệt sau đợt suy giảm tiền gửi và rút tiền ồ ạt tháng trước.
Nhà chức trách cũng cho rằng, việc thắt chặt tín dụng và đà sụt giảm của đồng tiền trong tuần này liên quan đến việc khan hiếm nguồn cung cấp xăng dầu ở các thành phố lớn.
“Quá nhanh quá nguy hiểm”
Tâm điểm sự chú ý của các nhà đầu tư là lĩnh vực bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 24 tỷ USD đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua sau cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước cho thấy sự phụ thuộc quá mức vào các khoản vay thanh khoản.
Theo Ủy ban kinh tế của Quốc hội, áp lực đang gia tăng khi gói hỗ trợ 375 nghìn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) sẽ đáo hạn vào năm 2025.
Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi châu Á tại Natixis SA, cho biết:
“Thị trường tăng trưởng quá nhanh và quá dữ dội”, ước tính giá trị đã tăng từ 2% GDP vào năm 2018 lên 15% vào năm 2021 - chủ yếu là nhờ các khoản nợ từ các công ty bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn lĩnh vực này phát triển quá nóng”, Trinh Nguyen cho biết.
Điều khiến tâm lý nhà đầu tư có phần trở nên căng thẳng hơn là vụ bắt giữ bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group ) có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, do nghi ngờ gian lận thị trường trái phiếu, chứng khoán hồi tháng trước.
Theo Reuters, tồn tại tâm lý nghi ngờ về mối quan hệ giữa bà Trương Mỹ Lan với Ngân hàng SCB đã gây ra tình trạng rút tiền ồ ạt, xu hướng chạy đua tiền gửi cũng như tái mua lại nợ trái phiếu của các công ty bất động sản và bán ra trên thị trường trái phiếu có chủ quyền cũng như thị trường chứng khoán để bù lỗ.
Ở đây, cần lưu ý rằng, các ngân hàng khác có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, nhưng các nhà phân tích cho rằng rủi ro đối với hệ thống ngân hàng là rất hạn chế và chắc chắn gần như sẽ không có sự sụp đổ nào xảy ra.
“Ngành ngân hàng nói chung có tỷ lệ rủi ro thấp đối với trái phiếu doanh nghiệp”, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HSC, một ngân hàng đầu tư uy tín và nhà môi giới chứng khoán hàng đầu ở Việt Nam cho biết.
Sẽ không có khủng hoảng
Theo ghi nhận, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng chiếm khoảng 8% tổng tín dụng vào giữa tháng 10.
Cả hai chuyên gia Trinh Nguyen của Natixis và Nagutha của Bank of America đều không tin rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng.
Các chuyên gia đều đánh giá tích cực về lợi nhuận dài hạn từ việc thanh lọc tín dụng và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hy vọng vào những biện pháp đúng đắn mà Việt Nam đang làm.
“Các chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn tốt... Chúng tôi cho rằng, ở mức này, với sự sụt giảm của thị trường, kể cả trên thực tế nếu có suy yếu hơn nữa, thì các nhà đầu tư vẫn sẽ tìm cách bổ sung”, một nhà quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore tại Janus Henderson Investors bày tỏ.
Trong khi đó, Patrick Chang, Giám đốc đầu tư chứng khoán tại Principal Southeast Asia, đánh giá rót vốn vào Việt Nam là một ý tưởng đầu tư hàng đầu cho năm 2023, với việc thị trường hiện đang rẻ sẽ khiến đất nước càng trở nên hấp dẫn hơn.
Dù vậy, khó phủ nhận rằng, việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt và sự kiện SCB cũng có phần gây hoang mang cho giới đầu tư, một nhà quản lý quỹ giấu tên cho biết, đồng thời, việc lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên mức cao nhất một thập kỷ xung quanh thời điểm bà Lan bị bắt đã gợi dậy những lo lắng liên tưởng đến các cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng trong quá khứ.
“Chúng tôi cho rằng thế bất định về đà tăng lãi suất, việc siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tăng trưởng yếu có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường”, nhóm phân tích tại Maybank cho biết trong báo cáo hôm thứ Tư (2/11).
Việt Nam đang làm rất tốt
Như Sputnik đã thông tin, với những diễn biến bất ổn trên thị trường toàn cầu vừa qua, có thể thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn nhắm tới mục tiêu các định hướng rõ ràng, tiến hành thay đổi lãi suất, tỷ giá theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Với ưu tiên số 1 là kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ sử dụng các biện pháp tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cần hiểu rằng, trên lý thuyết, việc tăng lãi suất thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.
Hôm qua tại Nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống, việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho NHNN trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Chính vì vậy, điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý và nhắc lại, sự an toàn trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng rất quan trọng và NHNN cũng xét thấy tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng đã đánh giá cao các chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam, đồng thời hoan nghênh quyết định mở rộng biên độ tỷ giá hối đoái.