Việt Nam ứng xử về vấn đề Ukraina: "Chúng ta không chọn bên"

Tại nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh, đường lối đối ngoại của Việt Nam là “không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải”.
Sputnik
Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ về những bài học quan trọng sau 2 năm toàn lực thực hiện công tác phòng chống đại dịch Covid-19, đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân, không để bị động trong những tình huống bất ngờ.

Việt Nam không chọn bên trong vấn đề Ukraina

Chiều nay 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phiên trả lời chất vấn trực tiếp từ đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề, thế giới hiện đang xảy ra nhiều diễn biến khó lường, khó đoán. Ông đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam.
"Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động", - ông Trí phát biểu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng cho biết, trong cương lĩnh Đại hội XIII, cũng như trong Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.
Việt Nam là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ukraina
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả quan trọng với đường lối này.

"Chúng ta cũng ứng xử với các vấn đề quốc tế phức tạp, ví dụ như vấn đề Ukraina. Thái độ của chúng ta thể hiện ở Liên hợp quốc cũng được bạn bè chia sẻ trong bối cảnh chúng ta phải thể hiện chính kiến. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải", - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Ngoại giao đã rất tích cực thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine, huy động được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong thời điểm còn nhiều khó khăn khi tiếp cận vaccine.
Theo Thủ tướng, thành công của chiến lược vaccine (gồm 3 cấu phần là quỹ vaccine, ngoại giao vaccine và chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí toàn dân) đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiết kiệm chi phí.

Những bài học rút ra sau dịch Covid-19

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng, cũng như đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới.
Trước những diễn biến khó lường của thế giới và khu vực, khả năng xuất hiện các loại dịch bệnh hay sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm và các bài học cụ thể đã rút ra để dự liệu, dự phòng cho các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, hơn 2 năm chống dịch chưa từng có tiền lệ, không dự báo trước, đã làm hao tốn rất nhiều công sức để có thể kiểm soát dịch bệnh.
Dù cho quá trình này vẫn chưa được tổng kết cụ thể, Ban Chỉ đạo cũng đang thống nhất tổng kết lại đợt chống dịch vừa qua để rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết, khi dịch bệnh xuất hiện, công tác chống dịch gắn với 3 trụ cột chính là xét nghiệm, cách ly, điều trị.
Có thể chia làm 2 giai đoạn, thời gian đầu khi chưa có vaccine và hiểu biết về virus nên dùng biện pháp hành chính. Tiếp đó, khi đã có hiểu biết thì thực hiện chiến lược vaccine và áp dụng công thức 5K, trong đó vaccine và ý thức người dân là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu, đóng góp quyết định vào khả năng đẩy lùi dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19
Bộ Y Tế: Việt Nam vẫn chưa thể công bố kết thúc đại dịch COVID-19
Quan điểm chống dịch là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; chống dịch từ sớm, từ xa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là rất quan trọng, biến nguy thành cơ. Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Về sức mạnh thời đại, cần nhận thức rõ đây là vấn đề toàn dân, toàn cầu nên phải chung tay đề cao vấn đề đa phương…
Bài học thứ 2 là về hoàn thiện thể chế. Qua công tác chống dịch thời gian qua, có thể thấy Việt Nam đang thiếu thể chế. Không những thiếu khi bình thường mà cả trong những thời điểm đặc biệt.
“Thiết kế luật pháp tôn trọng thực tiễn khách quan nhưng pháp luật bao giờ cũng đi trễ hơn thực tiễn. Quốc hội rất sáng suốt khi ban hành Nghị quyết 30 để kịp thời xử lý vấn đề liên quan thể chế”, - Thủ tướng nói.
Một vấn đề nữa là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng vì người dân sinh sống ở cơ sở, ở xã phường.
“Khi tình hình bình thường ta không thấy y tế cơ sở quan trọng. Tập trung về con người, nguồn lực, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế… Đây là nhóm giải pháp mà ta đang tiếp tục làm”, - người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Thảo luận