Tối nay, 'Trăng máu Hải ly' sẽ xuất hiện trên bầu trời Việt Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần hay "Trăng máu Hải ly” sẽ xuất hiện tại Việt Nam vào tối 8/11. Đây là một trong những sự kiện được người yêu thiên văn mong chờ nhất trong năm.
Sputnik

Làm thế nào để không bỏ lỡ?

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, nguyệt thực diễn ra vào tối nay có tổng thời lượng từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc pha một phần kéo dài tới 3 giờ 40 phút, nếu tính cả pha nửa tối thì tổng thời lượng của hiện tượng lên tới gần 6 giờ. Trong đó, giai đoạn đáng chú ý nhất của hiện tượng là pha toàn phần kéo dài xấp xỉ 1 giờ 25 phút.

“Với người quan sát tại Việt Nam, hiện tượng này diễn ra hơi sớm. Nó bắt đầu khi Mặt Trăng còn chưa mọc nên chúng ta sẽ bỏ lỡ giai đoạn đầu của nguyệt thực lần này. Mặc dù vậy, nếu có điều kiện quan sát đủ thuận lợi, người yêu thích thiên văn vẫn có thể theo dõi được nửa sau của pha toàn phần cũng như toàn bộ pha một phần và nửa tối sau đó”, ông Sơn thông tin.

Tại Hà Nội, Mặt Trăng mọc lúc 17 giờ 12 phút, còn ở TP.HCM là 17 giờ 22 phút (các tỉnh và thành phố khác dao động một vài phút).
Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 được các nhân chứng ghi lại
Theo Timeanddate. com, lịch trình chi tiết của hiện tượng, tính theo giờ Việt Nam ngày 8/11/2022 như sau:
Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15 giờ 02 phút
Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16 giờ 09 phút
Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 17 giờ 16 phút
Nguyệt thực cực đại: 17 giờ 59 phút
Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18 giờ 41 phút
Nguyệt thực một phần kết thúc: 19 giờ 49 phút
Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20 giờ 56 phút
Điều đặc biệt trong lần nguyệt thực diễn ra hôm nay, nhiều nơi ở Việt Nam sẽ theo dõi được một phần pha toàn phần của nguyệt thực. Đây thực sự là hiện tượng đáng chú ý, vì mặc dù nguyệt thực không hiếm, nhưng việc quan sát được pha toàn phần vẫn là một điều khá đặc biệt đối với người yêu thích thiên văn.
Theo VACA, lần tiếp theo có thể quan sát nguyệt thực toàn phần từ Việt Nam sẽ là tháng 9/2025.
Các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy hơn 660 sao xung bằng kính thiên văn FAST

Nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái Đất nằm giữa. Vào thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt Trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.
Tuy nhiên, nguyệt thực là một hiện tượng không quá hiếm. Gần như năm nào cũng có ít nhất một lần có nguyệt thực một phần, toàn phần hoặc nửa tối và rất dễ quan sát ngay cả khi không có dụng cụ nào hỗ trợ. Mặc dù vậy, nó vẫn luôn là một hiện tượng quang học thú vị và thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Thảo luận