Bộ Giáo dục Việt Nam nêu lý do hoãn thi IELTS

Xu hướng tìm kiếm tin tức về việc đồng loạt hoãn hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam như IELTS, ESOL, PET, các kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Trung (HSK & HSKK), tiếng Nhật (NAT-Test) và tiếng Hàn (TOPIK) tăng đột biến ngày 10/11.
Sputnik
Đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lên tiếng lý giải về việc hoãn các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rằng, việc tổ chức thi tràn lan, không kiểm soát về chất lượng, dễ dẫn đến tiêu cực, nghi vấn gian lận, gây dư luận xấu.

“Mới chỉ tuân thủ quy định nước ngoài, chưa đủ các điều kiện của Việt Nam”

Ngày 10/11, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cho biết, thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ.
Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Theo Thứ trưởng, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
“Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam”, Thứ trưởng Độ nói.
Ông dẫn chứng các yếu tố về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.
“Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc”, Thứ trưởng nêu.
Ông Độ cho biết, người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ, gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, một số quy định tại nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Vì vậy, nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Đột ngột hoãn kỳ thi IELTS, Aptis, Nat-test, HSK: Chuyện gì đang xảy ra?

Lý do nhiều trung tâm đột ngột dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết triển khai thực hiện nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
“Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam”, Thứ trưởng cho biết.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, email) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết.
Bên cạnh đó, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, theo ông Độ, là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định của nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường rà soát

Ngày 10/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 5871/BGDĐT-QLCL gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
Trong văn bản số 5871, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nêu, thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đúng quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ hai, kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11/2022/BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.
“Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Bộ GD&ĐT lưu ý.
Thứ ba, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn theo đúng các quy định hiện hành.
“Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại địa bàn”, Bộ GD&ĐT kiên quyết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai, thực hiện các nội dung nêu trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo về Bộ (qua Cục Quản lý chất lượng).
Bộ GD&ĐT lên tiếng về việc xét tuyển ĐH bằng IELTS, TOEFL

Làm thế nào để tiếp tục tổ chức hoạt động thi, cấp chứng chỉ?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định của nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Hồ sơ gồm có đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo mẫu số 08 tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định; Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài; Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết; Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo mẫu số 09 tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định.
Như vậy, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định nêu trên. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại nghị định số 86/2018 là 20 ngày).
Thứ trưởng Độ cho biết, sau khi phê duyệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Thảo luận