Mỹ không thể cản trở Trung Quốc thực hiện những bước tiến về công nghệ

Trung Quốc đang tạo ra một không gian công nghệ chung với các nước SCO, BRICS, ASEAN và Trung Đông. Sự can thiệp chính trị của Hoa Kỳ vào chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc là một con dao hai lưỡi.
Sputnik
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia bình luận về việc Tổng thống Mỹ gia hạn lệnh cấm đầu tư vào các công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ đã gia hạn thêm một năm sắc lệnh dưới thời ông Trump, trong đó cấm các cá nhân hoặc thực thể Mỹ đầu tư vào các công ty mà theo ý kiến ​​của Washington phục vụ lợi ích của khối công nghiệp-quân sự Trung Quốc. Rõ ràng, đây không phải là một bước đi thân thiện, trên thực tế đây là một bước đi thù địch được thực hiện vào thời điểm khi cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Bali đang nằm trong chương trình nghị sự chính trị.
Đồng thời, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ sử dụng công nghệ chính trị “gây áp lực tối đa” lên đối tác trước khi tiến hành cuộc đàm phán. Hoa Kỳ đã từng sử dụng chiến thuật này (dù nó không mang lại kết quả mong muốn) trước các cuộc gặp ngoại giao cấp cao Trung-Mỹ vào tháng 3 năm 2021 ở Anchorage và vào tháng 7 cùng năm ở Zurich. Trước các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường gây sức ép lên Trung Quốc. Ví dụ, ngay trước cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung kéo dài hai giờ vào ngày 18 tháng 3 năm 2022, phía Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau rằng họ sẽ nói chuyện gay gắt với nước này về hậu quả nghiêm trọng nếu Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina và cố gắng lách lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các công ty Trung Quốc cố tình làm chậm chip của họ để lách lệnh trừng phạt của Mỹ

Ý kiến ​​chuyên gia

Không nên chờ đợi những thay đổi trong chính sách này của Mỹ, - Giáo sư Alexei Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Đại học Tổng hợp Moscow, nói với Sputnik khi bình luận về việc gia hạn sắc lệnh được Donald Trump ký vào tháng 11 năm 2020.
“Mỹ không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc dù ai là tổng thống. Các vị tổng thống chỉ có thể thay đổi những phương pháp, nhưng, chiến lược chung vẫn không thay đổi. Vectơ chính của nó là kiềm chế Trung Quốc. Đối với Biden, điều quan trọng bây giờ là cho thấy rằng, Hoa Kỳ không những không sợ Trung Quốc, mà còn sẽ gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh. Đây là những gì họ đã làm cách đây chưa đầy một tháng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, họ đã tăng mạnh số lượng hạn chế tương tác với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm cả công việc của các chuyên gia Mỹ trong các công ty Trung Quốc. Rất có thể, sau khi Biden gia hạn các hạn chế trong sắc lệnh do người tiền nhiệm đảng Cộng hòa Donald Trump triển khai, số lượng các công ty Trung Quốc và số lượng các nội dung mà doanh nghiệp Mỹ bị cấm hợp tác với Trung Quốc sẽ được mở rộng”, - giáo sư Alexei Maslov nhận xét.
Danh sách các công ty mà theo ý kiến của Washington có liên quan đến lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc được gắn với danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ. Vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp mở rộng danh sách công ty Trung Quốc trong diện bị trừng phạt tài chính lên con số 59. Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển một biện pháp đối phó nghiêm túc, chuyên gia Alexei Maslov lưu ý.
“Mục tiêu chính của chính quyền Nhà Trắng là ngăn Trung Quốc phát triển một loạt công nghệ của riêng mình và xuất khẩu chúng sang các nước phương Tây. Nhưng, Hoa Kỳ đang gặp vấn đề trong lĩnh vực này: nếu đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc đã hy vọng từng bước hội nhập quốc tế về công nghệ cao, thì giờ đây, Trung Quốc nhận thấy những hạn chế và do đó đang tạo ra mạch công nghệ của riêng mình. Không gian công nghệ này bao gồm, trước hết, các quốc gia của SCO và BRICS. Hóa ra, chính Hoa Kỳ đang thúc đẩy Trung Quốc làm điều này, Hoa Kỳ ngăn cản các công nghệ của Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ. Tất nhiên, điều này gây ra thiệt hại nghiêm trọng không chỉ cho Trung Quốc mà cả người tiêu dùng Mỹ, vì thị trường Mỹ bị ngừng cung cấp nhiều linh kiện điện tử của Trung Quốc”, - giáo sư Maslov nói.
Hóa ra, một số sắc lệnh của Mỹ không thể được thực hiện về mặt kỹ thuật. Ví dụ, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) đã cấm sử dụng các thiết bị giám sát video của Trung Quốc, bao gồm cả HikVision và Dahua, trong các cơ quan liên bang. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ở Mỹ và các quốc gia khác đã sử dụng các thành phần chính của HikVision và Dahua để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu của riêng họ. Do đó, không thể xác định một cách chắc chắn có bao nhiêu camera với thiết bị điện tử Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Những lệnh cấm như vậy thực sự tước đi cơ sở linh kiện của các nhà sản xuất Mỹ.

Phương án thay thế cho thị trường Mỹ

Theo chuyên gia Li Kai, Phó giáo sư tại Viện Tài chính và Kinh tế thuộc Đại học Sơn Tây, đối với các công ty Trung Quốc, phương án thay thế cho thị trường Mỹ là các khoản đầu tư vào các nước ASEAN và Trung Đông.

“Mỹ đang cố kéo phương Tây về phía mình nhằm cô lập Trung Quốc, để tách phương Tây ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, tình huống này không thể được coi là rõ ràng, vì một số thay đổi đang diễn ra. Ví dụ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến công du quan trọng này đã phá vỡ các kịch bản cô lập Trung Quốc mà giới truyền thông phương Tây dành cho Bắc Kinh. Dư luận và lập trường của giới doanh nghiệp Mỹ cũng đang thay đổi theo hướng có lợi cho các cuộc tiếp xúc và hợp tác với Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói về ý định thăm Trung Quốc. Nhật Bản đã tuyên bố rằng, họ sẽ thông qua quyết định về các biện pháp trừng phạt Trung Quốc dựa trên lợi ích của chính họ. Trong khi đó Trung Quốc đang tích cực hợp tác đầu tư với các nước ASEAN và Trung Đông”, - chuyên gia Trung Quốc nói.

Trung Quốc quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu các công ty quốc phòng Mỹ
Tổng thống Mỹ đã từng nói rằng, Trung Quốc lợi dụng nguồn vốn Mỹ để phát triển và hiện đại hóa quân đội cũng như các cơ cấu chính phủ khác trong lĩnh vực an ninh. Điều này cho phép Trung Quốc đe dọa Mỹ ở trong nước và đe dọa các lực lượng của Mỹ ở nước ngoài. Chuyên gia Alexei Maslov cho rằng, những tuyên bố như vậy có thể được coi là bằng chứng gián tiếp về việc Hoa Kỳ không chịu được sự cạnh tranh về công nghệ với Trung Quốc.
“Mỹ không giấu diếm sự thật rằng, cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đạt đến mức độ cạnh tranh. Và bây giờ Hoa Kỳ không còn có thể giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc bằng các biện pháp thông thường và tiêu chuẩn, ví dụ như cách đây mấy thập kỷ. Tất cả những gì Mỹ có thể làm bây giờ là cố gắng cản trở Trung Quốc thực hiện những bước tiến về công nghệ cao, nhằm câu giờ để các chuyên gia Mỹ đưa một số công nghệ lên trình độ tiên tiến. Nhưng, ngày nay, Trung Quốc vượt Mỹ về số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Các chuyên gia Trung Quốc có thể giới thiệu các công nghệ cao rẻ hơn nhiều lần, tức là mọi thứ đều được tối ưu hóa chi phí. Trung Quốc đã tạo ra các tập đoàn xuyên quốc gia của riêng mình để phát triển và thực hiện bất kỳ dự án nào - từ các giải pháp phần mềm đến thương nghiệp hoá, biến các giải pháp này thành hàng mua bán. Về mặt này, Mỹ không thể cản trở sự phát triển của Trung Quốc”, - chuyên gia Nga kết luận.
Năm ngoái, Nhà Trắng đã mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư từ Mỹ, họ đưa thêm 34 công ty công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen” với cáo buộc cách đối xử với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, vẫn không rõ: bằng cách nào cách thức hoạt động của các công ty Trung Quốc có thể đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ? Xét theo tâm trạng của chính quyền Mỹ, trong tương lai sẽ có thêm nhiều câu hỏi như vậy.
Thảo luận