Sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 88,96% tổng số ĐBQH.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Tầm quan trọng của sửa đổi Luật Hợp tác xã
Tại hội trường, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã còn góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng là một trong những lợi ích của việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nêu trên.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 12 chương, 111 điều, trong đó: bãi bỏ 3 điều, sửa đổi 65 điều, bổ sung 49 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, việc sửa đổi bao gồm hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng
Theo chương trình làm việc, chiều 10/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Trước đó khi thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ đối tượng yếu thế, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử.
Bên cạnh bảo vệ quyền lợi thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng.
Dự án Luật gồm 7 chương, 80 điều, quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.