TP.HCM tích cực cử cán bộ đi nước ngoài bồi dưỡng kiến thức

HÀ NỘI (Sputnik) - Năm 2023, TP.HCM sẽ cử 175 cán bộ, công chức đi nước ngoài bồi dưỡng kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
Sputnik
Dự kiến năm 2023, TP.HCM cử 175 cán bộ, công chức đi nước ngoài bồi dưỡng kiến thức về kiểm nghiệm thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, cải cách hành chính, phát triển hạ tầng công nghiệp, quản lý an toàn đường sắt đô thị...
Theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, dự kiến có 19.963 công chức được đào tạo, bồi dưỡng trong nước, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: cải cách hành chính, hoạch định chính sách, kinh tế - tài chính, giao thông vận tải, du lịch, văn hóa thể thao, xây dựng, y tế, thanh tra, thanh niên... với đa dạng các khóa học dài và ngắn hạn.
Trong khi đó, việc bồi dưỡng ở nước ngoài sẽ được tổ chức thông qua các đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong thời gian ngắn, từ 7 - 16 ngày.
Cán bộ được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước cần điều kiện gì?
Dự kiến, TP sẽ cử 175 học viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài ở các lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, cải cách hành chính, phát triển hạ tầng công nghiệp, quản lý an toàn đường sắt đô thị, du lịch thông minh, chính quyền đô thị, bình đẳng giới…
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 400 cán bộ gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 40 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn 250 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ 120 cán bộ.
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 mỗi năm cử đi nước ngoài bồi dưỡng khoảng 500 cán bộ, gồm bồi dưỡng trung hạn khoảng 50 cán bộ; bồi dưỡng ngắn hạn khoảng 300 cán bộ; bồi dưỡng ngoại ngữ khoảng 150 cán bộ.
Nội dung bồi dưỡng vào các nhóm chính gồm: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chính sách phát triển bền vững, kinh tế, khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp; kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức tổ chức bồi dưỡng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm cán bộ khác nhau.
Nhiều cán bộ Bộ Tài chính xin nghỉ việc do áp lực
Chương trình bồi dưỡng phải kết hợp giữa học tập và khảo sát thực tế, bổ sung được kiến thức mới, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại, trong đó có làm việc, trao đổi với đảng cầm quyền, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các tổ chức quần chúng... của các nước sở tại.
Kết hợp linh hoạt phương thức bồi dưỡng trực tiếp với trực tuyến tùy theo điều kiện thực tế.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ với các cơ sở đào tạo, chuyên gia có uy tín ở nước ngoài; đồng thời nghiên cứu, mở rộng quan hệ với các đối tác mới để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ.
Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động mời chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả thuyết trình tại Việt Nam để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thảo luận