Châu Âu bất ổn, kinh tế Việt Nam gặp lực cản mạnh

Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng, đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bật tăng trở lại nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới tăng trong các lĩnh vực.
Sputnik
Tuy nhiên, WB cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng cảnh báo thế giới đang trong giai đoạn “rất mong manh” với nhiều bất ổn, biến động phức tạp, nhất là ở châu Âu.

Toàn cầu ảm đạm, kinh tế Việt Nam đối mặt lực cản mạnh

Khách quan mà nói, Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022 do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bao gồm nhiều phân tích cảnh báo đối với Việt Nam hơn là khen ngợi những chỉ số “màu hồng”.
Đây là động thái và quan điểm có thể lý giải đặt trong bối cảnh toàn cầu bị nguy cơ suy thoái đe doạ với những diễn biến phức tạp, khó lường.
Không riêng gì World Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 13/11 đã phải cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo được chính thể chế này đưa ra hồi tháng trước, khi các kết quả khảo sát về chỉ số quản lý thu mua (PMI) liên tục có dấu hiệu xấu trong những tháng vừa qua.
IMF cho rằng, viễn cảnh u ám toàn cầu này bắt nguồn từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn lạm phát, đà tăng trưởng yếu của Trung Quốc, tình trạng gián đoạn nguồn cung và mất an ninh lương thực kéo dài do ảnh hưởng của xung đột. IMF cũng lưu ý, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy "triển vọng kinh tế sẽ ngày càng đi xuống, đặc biệt là ở châu Âu. EU là một bạn hàng lớn của Việt Nam, do đó, sẽ khó tránh những ảnh hưởng nhất định, như suy giảm đơn hàng, sức mua.
Trở lại với Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2022, Ngân hàng Thế giới cho rằng:
“Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh”.
Phân tích của WB chỉ rõ, sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu trong nước trong vài tháng tới đây.
Tiếp đó, lạm phát cơ bản và toàn phần tăng tốc. Cụ thể, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tốc từ 3,9% trong tháng 9 lên 4,3% trong tháng 10, lần đầu tiên vượt chỉ tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ tháng 04/2020.
Yếu tố đóng góp của lĩnh vực vận tải tiếp tục giảm mạnh do giá xăng dầu trong tháng 10 giảm lần lượt 6,0% (so cùng kỳ) và 0,6% (so tháng trước), thấp hơn 2,1% so với năm trước. Tuy nhiên, bù lại, lạm phát gia tăng là do giá lương thực thực phẩm tăng mạnh từ 2,8% trong tháng 9 lên 5,0% trong tháng 10/2022, mức cao nhất kể từ tháng tháng 12/2020.
“Nhóm hàng này chiếm 21,3% giỏ tính CPI”, WB lý giải và cho biết thêm, lạm phát cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng được Nhà nước quản lý giá (y tế và giáo dục), tiếp tục tăng từ 3,8% trong tháng 9 (so cùng kỳ) lên 4,5% trong tháng 10, đạt kỷ lục mới.

Lãi suất biến động mạnh, đồng tiền Việt Nam mất giá

Liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, WB cho biết, tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.
Sau khi đạt kỷ lục tăng 16,9% trong tháng 9 (so cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 16,5% trong tháng 10 (so cùng kỳ).
“Tốc độ tăng giảm xuống là do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thắt chặt điều kiện huy động tài chính trong nước bằng cách nâng lãi suất lên tổng cộng 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10”, Ngân hàng Thế giới nêu.
Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đạt kỷ lục mới ở mức bình quân 5,8% trong tháng 10 so với 4,9%/năm trong tháng 9/2022, cao hơn nhiều so với lãi suất 0,65% trong năm trước đó. Ngân hàng Thế giới cho biết, lãi suất cũng biến động mạnh hơn, dao động từ mốc đáy 3,1% lên mốc đỉnh 8,4%/năm trong tháng 10.
“Bên cạnh đó, đồng tiền của Việt Nam giảm giá so với đồng USD trong bối cảnh điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt lại và đồng USD mạnh lên khiến tỷ giá VND/USD tiếp tục bị mất giá trong tháng 10/2022”, theo báo cáo.
Tính đến ngày 3/11/2022, đồng tiền của Việt Nam mất 9,1% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm. Mặc dù vậy, đồng nội tệ vẫn bị mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác.
Điểm đáng chú ý, theo Ngân hàng Thế giới, cân đối ngân sách đạt bội thu ở mức nhỏ. Cụ thể, cân đối ngân sách theo tháng ghi nhận bội thu ở mức 0,2 tỷ USD trong tháng 10 sau khi rớt nhẹ xuống ngưỡng bội chi trong tháng 9.
Theo WB, ngân sách đạt bội thu cho dù tổng thu giảm 6,7% (so cùng kỳ năm trước), lần đầu tiên thu ngân sách giảm trong năm 2022. Tổng chi tăng 11,8% (so cùng kỳ năm trước) chủ yếu nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
Đến cuối tháng 10/2022, thu ngân sách của Chính phủ vượt tổng dự toán thu cho cả năm ở mức 3,7%, nhưng chi ngân sách chỉ đạt 68,3% so với tổng dự toán chi cả năm, dẫn đến bội thu ngân sách ở mức 10,7 tỷ USD. Đối với giải ngân đầu tư công, WB cho biết hiện đạt 56,6% so với kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, cao hơn hai điểm phần trăm so với năm trước (53,9%) trong khi chi thường xuyên đạt 75,7%, thấp hơn so với 77% cùng kỳ năm trước.
Do ngân sách đạt bội thu trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước chỉ phát hành 1,0 tỷ USD trái phiếu chính phủ bằng nội tệ, toàn bộ đều có kỳ hạn dài (10 năm trở lên). Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu phát hành đạt 34,9% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (72,5% kế hoạch).
“Chi phí vay nợ tiếp tục tăng, khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng từ 3,0% lên 4,0% trên thị trường sơ cấp (mức tăng mạnh nhất kể từ đại dịch), thu hẹp khoảng cách so với thị trường thứ cấp, với lợi suất ở mức 5,2% trong tháng 10”, theo WB.
Ngân hàng Thế giới lý giải, chi phí vay nợ gia tăng là do điều kiện huy động tài chính trong nước bị thắt lại khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất để ổn định đồng nội tệ trong điều kiện sức cầu bên ngoài chững lại, lạm phát trong nước gia tăng và đồng USD mạnh lên.
Đằng sau những con số “màu hồng” của nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam nên bán ngoại tệ sáng suốt, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn

Trong báo cáo của mình, WB cho hay, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
Biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
“Do áp lực tỷ giá kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối”, WB nhấn mạnh.
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam nên phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, nhằm giảm áp lực hạ giá đồng tiền của Việt Nam, NHNN đã nâng độ linh hoạt của tỷ giá bằng cách nới rộng biên tỷ giá VND/USD từ +/- 3 phần trăm lên +/- 5 phần trăm, đồng thời nâng các mức lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản trong tháng 10.

FDI tăng

Điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam được WB đánh giá trong báo cáo kỳ này chính là FDI.
Theo đó, số đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng bật lại nhờ dòng vốn đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới tăng trong các lĩnh vực điện, khí và cấp nước, trong khi số giải ngân FDI vẫn duy trì tăng trưởng vững chắc.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký đầu tư nhảy vọt lên 3,7 tỷ USD trong tháng 10/2022, tăng 122% (so cùng kỳ), cao thứ 2 trong năm 2022. Mức tăng này có được là nhờ các khoản đầu tư lớn vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới (2 tỷ USD) trong lĩnh vực điện, khí và cấp nước.
Số giải ngân vốn FDI vẫn đứng vững, tăng 8,1% trong tháng 10 (so cùng kỳ) và tăng 15,2% trong 10 tháng đầu năm (so cùng kỳ). Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước), so với 10,3% trong tháng trước. Tăng trưởng giảm tốc có thể do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang yếu dần.
Cần lưu ý, sức cầu yếu đi bên ngoài cũng có thể là nguyên nhân quan trọng khi tăng trưởng tại Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc đang chậm lại.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chế biến giảm từ 52,5% trong tháng Chín xuống 50,6% trong tháng 10/2022, vừa đủ trên mốc 50 nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, càng chứng tỏ tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo chế biến đang giảm tốc.
Doanh số bán lẻ tăng 17,1% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước) so với 32,3% trong tháng trước đó thì lại giảm. Tăng trưởng giảm mạnh một mặt do hiệu ứng xuất phát điểm thấp đang mờ dần, giống như đối với chỉ số sản xuất công nghiệp, mặt khác, điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang yếu đi do quá trình hồi phục tiêu dùng trong ba quý đầu năm dường như đang yếu dần trong điều kiện lạm phát.
Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 9,6% (so cùng kỳ), thấp hơn so với tốc độ tăng trước đại dịch ở mức khoảng 12% (so cùng kỳ). Tốc độ tăng doanh số dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành, từng vượt trên cả mức trước đại dịch trong tháng 8/2022, hiện chỉ đạt 12% (so cùng kỳ), nghĩa là thấp hơn so với tháng 10/2019, theo WB.
Đáng chú ý, số lượt khách du lịch quốc tế sau khi phục hồi mạnh mẽ từ tháng Ba đến tháng Tám bắt đầu đi ngang trong tháng Chín và tháng Mười. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ghi nhận thặng dư trong tháng Mười nhưng tăng trưởng xuất khẩu chững lại.
Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống mức thấp trong 12 tháng qua, đạt 4,8% (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu bên ngoài yếu đi, lạm phát tăng cao, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt và bất định gia tăng trên toàn cầu.
Hồi tháng 10 vừa qua, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng đã đưa ra cảnh báo, nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày một gia tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp trong khi môi trường chính sách tiền tệ hiện cũng đang “bất ổn một cách bất thường”.
Tham vọng kinh tế của Việt Nam có mức độ khả thi như thế nào?
Bà Kristalina Georgieva thẳng thắn cho rằng, thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn “rất mong manh”, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, cú sốc gồm đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraina, thời tiết khắc nghiệt dị thường.
“Chỉ trong chưa đầy 3 năm, chúng ta đã đi qua hàng loạt cú sốc liên tiếp”, Giám đốc IMF đã phải thốt lên.
Thảo luận