Thông qua chiến lược “Ba kết nối”, Việt Nam và Thái Lan hướng tới điều gì?

HÀ NỘI (Sputnik) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã thông qua chiến lược “Ba kết nối”. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Sputnik
Phát biểu tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ngày 16/11, tại toà nhà Chính phủ Thái Lan ở thủ đô Bangkok, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường với Thái Lan.
Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 của Thái Lan và khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho thành công của Hội nghị APEC sắp tới.
Hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương thời gian qua trên tất cả lĩnh vực. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng.
Trao đổi về phương hướng nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường, hai bên nhất trí duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế họp nội các chung do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì. Phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022 - 2027 được ký kết nhân chuyến thăm này.
Lịch trình của Chủ tịch nước và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Thái Lan
Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn; tăng cường kết nối trên các lĩnh vực; hoan nghênh ngân hàng trung ương hai nước triển khai thành công dự án kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước.
Tại buổi hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam nhằm đóng góp cho sự vững mạnh về kinh tế - xã hội. Hai nước thông qua chiến lược “Ba kết nối”.
Chiến lược này tập trung vào kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các ngành kinh tế cơ sở, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, các doanh nghiệp của địa phương; và cuối cùng là kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai nước là chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam và mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) của Thái Lan.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân, giao lưu giữa hai Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, Thái Lan – Việt Nam, tăng cường giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan.
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương của Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan, cũng như việc bảo tồn, phát huy giá trị của các địa điểm văn hóa lịch sử Việt Nam tại Thái Lan, nhất là 3 khu di tích/tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; xây dựng tiểu vùng Mekong kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Những điểm sáng trong chuyến thăm Thái Lan và tham dự APEC của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác gồm:
Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.
Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Khỏn-kèn, Thái Lan.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Thương mại Thái Lan.
Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Thái Lan.
Thảo luận