Bộ trưởng Bộ Giao thông "quyết liệt" loại thẳng nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có chuyến công tác đầu tiên trên công trường các dự án đường cao tốc Bắc - Nam kể từ khi nhậm chức.
Sputnik
Chuyến kiểm tra công trường lần này của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng được thực hiện sau 1 ngày (16/11) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, trong đó có chỉ đạo nhiều giải pháp liên quan đến các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Các dự án cao tốc Diễn Châu - Nghi Sơn, Nghi Sơn - quốc lộ 45 và Mai Sơn - quốc lộ 45 được bộ trưởng kiểm tra theo hành trình từ Nghệ An trở ra Ninh Bình.
Sau khi lắng nghe các ban quản lý dự án, nhà thầu báo cáo cụ thể thuận lợi, vướng mắc từng dự án, từng gói thầu, Bộ trưởng đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ban quản lý dự án, của nhà thầu và chỉ ra các chủ thể này cần chủ động, sát sao hơn nữa với từng công việc, tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể.
Việt Nam có nên chọn làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 250km/h?
Tại dự án Mai Sơn-QL45, đại diện Ban điều hành dự án thành phần Mai Sơn-QL45 cho biết, do điều kiện địa chất phức tạp của dự án, các khu vực phải xử lý nền đất yếu vẫn xuất hiện những diễn biến phức tạp. Dự kiến, cuối năm 2022, việc thông xe kỹ thuật sẽ được thực hiện trên khoảng 53 km, từ đầu tuyến (Km 274+112) đến nút giao Đông Xuân (Km 327+100). Hơn 10 km phải xử lý nền đất yếu (tập trung chủ yếu ở gói thầu 14-XL) sẽ tiếp tục vừa thi công, vừa theo dõi, bảo đảm chất lượng tuyệt đối cho công trình khi đưa vào khai thác chính thức.
Với gói thầu này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi:

“Tại sao gói thầu của các dự án khác khởi công muộn hơn cũng gặp các khó khăn chung lại không chậm tiến độ, trong khi các gói thầu khởi công sớm lại bị chậm mà không có yếu tố bất thường quá?”

Theo ông Thắng, tiến độ chậm chủ yếu là do chủ quan, nhà thầu không huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, nguồn lực tài chính để thi công ngay từ đầu, ban quản lý dự án cũng không chỉ đạo, đốc thúc, báo cáo sớm.
Ông Thắng cho rằng việc nhà thầu chính không tham gia đầy đủ từ đầu, chỉ để nhà thầu phụ thi công dẫn đến tình trạng chậm tiến độ này. Nếu tập trung xử lý nền đất yếu từ đầu thì gói thầu không bị chậm, để dồn lại nên bây giờ không có thời gian xử lý.
Sốt ruột trước tiến độ thi công phần đường của gói thầu 12-XL, đặc biệt là phạm vi thi công của Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long (Km 304+630 - Km 307+600), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban QLDA phải xem xét công tác tổ chức thi công của nhà thầu Hoàng Long.
"Nếu đơn vị này không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ thì phải 'gạt' ra một bên. Khối lượng còn lại bàn giao lại cho các nhà thầu trong liên danh như Đèo Cả đảm nhận, tăng tốc thi công", Bộ trưởng yêu cầu.
Thủ tướng không hài lòng về tình hình triển khai các công trình trọng điểm quốc gia
Theo đó, ông yêu cầu nhà thầu Đèo Cả với tư cách đứng đầu liên danh nhà thầu đảm đương, làm bù hết khối lượng chưa làm của nhà thầu Hoàng Long.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đối với đoạn tuyến xử lý đất yếu đoạn Km 306+837 - Km 307+280 bổ sung ngay dây chuyền thi công đắp nền đường, triển khai thi công cuốn chiếu các đoạn tuyến đã đắp xong cát thoát nước; tiếp tục tập kết vật liệu thi công, máy móc, thiết bị, thi công 3 ca đẩy nhanh tiến độ thi công khối lượng nền đường và móng, mặt đường còn lại của khu vực nút giao Hà Lĩnh, bảo đảm hoàn thành hạng mục móng đường trong tháng 11/2022, mặt đường trước ngày 15/12/2022.
"Nhà thầu phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng, chậm thì phải làm bù. Nhà thầu, ban quản lý dự án phải bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để làm bù, thi công ba ca 24/24 giờ đảm bảo tiến độ, chất lượng để thông xe, đưa dự án vào khai thác từ 31/12/2022 như đã cam kết", Bộ trưởng cương quyết.
Thảo luận