Toan tính của ông Phạm Nhật Vượng thông qua giao dịch chuyển hàng trăm triệu cổ phiếu VIC sang doanh nghiệpp bất động sản VMI non trẻ là gì?
Toan tính của ông Phạm Nhật Vượng khi chuyển hơn 240 triệu cổ phiếu cho VMI
Ngày 19/11, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC), người giàu nhất Việt Nam, vừa bất ngờ chuyển nhượng hơn 240 triệu cổ phiếu Vingroup (VIC).
Theo đó Công ty CP Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng và thông báo với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc đã chuyển quyền sở hữu gần 243,5 triệu cổ phiếu VIC cho bên nhận là Công ty CP Quản lý và đầu tư bất động sản VMI.
Phương thức giao dịch là chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD).
Theo quan sát, có thể thấy bản chất của giao dịch này là ông Phạm Nhật Vượng đã dùng số cổ phần của mình tại Vingroup để góp vốn vào công ty bất động sản mới còn non trẻ là VMI. Hay theo nhận định của một số nhà đầu tư, đây là động thái tính toán “bơm máu” từ Chủ tịch Tập đoàn Vingroup “tiếp sức” cho Công ty CP Quản lý và đầu tư bất động sản VMI trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như hiện nay.
Nếu đối chiếu trên sàn chứng khoán hiện mã VIC đang được giao dịch quanh mức giá 65.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy ước tính tổng giá trị số cổ phiếu ông Vượng vừa góp vào công ty bất động sản mới thành lập rơi vào khoảng 15.970 tỷ đồng.
Giảm sở hữu ở Vingroup
Trước giao dịch bất ngờ này, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng có sở hữu trực tiếp hơn 985,5 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với 25,47% vốn điều lệ Vingroup.
Như vậy, sau khi giao dịch hoàn tất, số cổ phiếu của cá nhân ông Vượng tại Vingroup giảm xuống còn hơn 742 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm 6,29% xuống mức 19,18%. Ở chiều ngược lại,VMI trở thành cổ đông lớn tiếp theo nắm giữ 243,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,29% cổ phần đang lưu hành.
Tuy nhiên, tính chung, tổng sở hữu cổ phần tại Vingroup của ông Vượng và nhóm nhà đầu tư liên quan người giàu nhất Việt Nam vẫn giữ nguyên với tỷ lệ xấp xỉ 63%.
Cụ thể, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là cổ đông lớn nhất với 33% cổ phần, cá nhân ông Vượng giữ 19,18%, VMI nắm 6,29% và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5% với gần 170 triệu cổ phiếu.
VMI khác Vinhomes như thế nào?
Như Sputnik đưa tin trước đó, ông Phạm Nhật Vượng công bố sẽ tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của VMI.
Theo công bố, Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư bất động sản VMI do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác (trong đó có Vinhomes) chính thức thành lập vào đầu tháng trước.
VMI có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng cam kết góp 90% vốn bằng giá trị cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, ông Vượng sẽ góp vốn bằng 243 triệu cổ phiếu Vingroup, tương đương 16.200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9. Chủ tịch Vingroup cũng cam kết sẽ duy trì đầu tư và nắm quyền kiểm soát lâu dài trong VMIsong hành với Vinhomes.
VMI nhấn mạnh mục đích của doanh nghiệp là nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.
Trong đó, VMI sẽ tập trung đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đồng thời, các nhà đầu tư hợp tác với VMI sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản, được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỉ lệ đầu tư và được cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hằng năm.
Cụ thể, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, VMI của ông Vượng hướng theo mô hình kinh doanh mới, chia các bất động sản thành 200 suất đầu tư thay vì 50 suất như ban đầu, nhằm mang tới cơ hội cho nhiều nhà đầu tư hơn.
Chẳng hạn, với căn họ có giá trị 7,6 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ cần bỏ số vốn từ 38 triệu đồng (tương đương 0,5% giá trị nguyên căn) là đã có thể hưởng lợi từ bất động sản thấp tầng Vinhomes.
Cùng với đó, công ty bất động sản mới của Vingroup còn đưa ra chính sách mua lại suất đầu tư sau 18 tháng nếu nhà đầu tư có nhu cầu, với cam kết lợi nhuận 7,5%/năm cho các nhà đầu tư tiên phong.
Hoặc với kỳ hạn 3-5 năm, mô hình này của VMI còn cam kết lợi nhuận tối thiểu lên 9,5%/năm cho các nhà đầu tư tham gia trước 30/11/2022.