Theo ông Đào Đức Huyền, trong lịch sử 8 năm kể từ khi niêm yết, chưa bao giờ cổ phiếu DGC sập sàn 5 phiên liên tiếp.
Điều bất thường
Trong tâm thư gửi cổ đông mới đây, lãnh đạo Hoá Chất Đức Giang cho rằng, cổ phiếu DGC “sập sàn” 5 phiên liên tiếp, điều bất thường này lại xảy ra ngay khi kết quả kinh doanh của công ty ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 6.000 tỷ đồng – cao kỷ lục. Đây là điều khó hiểu.
Giai đoạn từ ngày 9-15/11, thị giá cổ phiếu của Hoá chất Đức Giang, đã giảm liên tiếp từ 71.000 đồng về 51.3000 đồng một đơn vị, giảm gần 28%. So với đỉnh giá gần 135.000 đồng hồi giữa tháng 6, hiện cổ phiếu DGC đã mất gần 60% thị giá, về còn 54.900 đồng.
Cần nhắc lại, Hóa chất Đức Giang là một trong những doanh nghiệp về hóa chất cơ bản lớn nhất Việt Nam.
“Điều bất thường này lại xảy ra ngay năm mà kết quả kinh doanh của Công ty cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước trên 6.000 tỷ đồng”, ông Huyền bày tỏ.
Ngay tại quý IV, lãi tháng 10 và tháng 11 ước đạt 800 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch lãi 1.100 tỷ đồng của quý này chắc chắn sẽ đạt được. Mọi hoạt động kinh doanh của công ty đều bình thường, theo ông Huyền.
Dự kiến, Đức Giang có thể đạt doanh thu trên 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế kỷ lục trên 6.000 tỷ đồng năm nay, trong khi kế hoạch đề ra chỉ 1.100 tỷ đồng.
Chủ tịch DGC cũng bày tỏ tự hào rằng, Hóa chất Đức Giang là một trong những công ty có nền tảng tài chính tốt nhất Việt Nam với dư tiền gửi trên 8.000 tỷ đồng và số nợ vay phải trả 600 tỷ đồng.
“Là một công ty xuất khẩu lớn nên đã hưởng chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Tuy giá cả có giảm cho một số mặt hàng nhưng lợi nhuận vẫn rất tốt, gần như không có hàng tồn kho, không có nợ xấu”, ông Huyên nêu rõ.
Ông Huyền hy vọng trong tương lai gần, cổ phiếu sẽ trở lại bình thường theo đúng giá trị của nó.
Chủ tịch Đức Giang mua vào 1 triệu cổ phiếu DGC
Trong tuần qua, hôm 14/11, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang mua 1 triệu cổ phiếu DGC.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DGC bằng phương thức giao dịch khớp lệnh qua sàn chứng khoán.
Mục đích thực hiện giao dịch là tăng tỷ lệ sở hữu, thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 17/11 đến 16/12.
Nếu giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu DGC vị Chủ tịch nắm giữ sẽ tăng lên 69.794.354 đơn vị, tỷ lệ sở hữu tương ứng tăng lên từ 18,11% lên 18,38%. Tạm tính theo giá kết phiên 14/11 (ngày công bố), ước tính ông Huyền phải chi khoảng 57,2 tỷ đồng để thực hiện giao dịch này.
Theo nhiều nhà quan sát, động thái mua vào cổ phiếu của ông Huyền diễn ra trong bối cảnh giá DGC liên tục giảm mạnh từ giữa năm đến nay, đặc biệt giảm sàn trong các phiên liên tiếp vừa qua (từ 9/11 - 14/11) xuống mức giá 57.200 đồng/cp.
So với đỉnh hồi giữa tháng 6 năm nay, cổ phiếu DGC mất hơn 57% thị giá và rơi xuống vùng đáy 14 tháng. Chốt phiên hôm 18/11, cổ phiếu Đức Giang mất 6,95%, còn 54.900 đồng/cp.
kinh doanh có lãi, hoá chất đức giang trả cổ tức bằng tiền
Đáng chú ý, ngay sau khi gửi tâm thư đến cổ đông, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang đã công bố trả cổ tức năm 2022 bằng tiền.
Theo Đức Giang, tỷ lệ chi trả cổ tức là 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được nhận 3.000 đồng. Hình thức chi trả bằng tiền mặt. Thời gian chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức dự kiến ngày 20/12/2022. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến vào 10/1/2023. Nguồn vốn thực hiện chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Công ty CP Hóa chất Đức Giang có vốn điều lệ 3.797 tỷ đồng tính tại ngày 30/9, sản xuất kinh doanh phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Đức Giang chuyên bán hàng và phân phối sản phẩm trên khắp địa bàn trong nước và thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ...
Về tình hình hoạt động, DGC dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế ở quý IV giảm lần lượt 5% và 21% so với quý IV/2021 do sản lượng tiêu thụ và giá bán của các sản phẩm chính như P4 và phân bón DAP/MAP đều đi xuống.
Nhận định về triển vọng ngành hóa chất cuối năm, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng - khả quan - do mặt bằng giá bán vẫn tăng cao so với cùng kỳ. Triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp hóa chất phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả hàng hóa trong thời gian tới.
Đối với Đức Giang, BSC dự phóng lãi sau thuế cả năm khoảng 6.595 tỷ đồng, tăng đến 158% so với năm 2021. Nhiều khả năng, Đức Giang sẽ lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2022 này.
Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định trong năm 2023, nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm cũng sẽ là động lực cho sự tăng trưởng doanh thu của DGC.
Đức Giang cũng chia sẻ về việc dự án Nghi Sơn chậm tiến độ so với dự kiến, chậm nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 và khoảng một năm sau sẽ đi vào hoạt động. Với nguồn tiền gửi tiết kiệm khoảng 8.000 tỷ đồng, công ty đang cân nhắc sử dụng hợp đồng vay với Ngân hàng HSBC (vay USD) trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao.
Đối với việc khai trương trường 25 - dự án khai thác quặng apatit, DGC hiện đang tiết kiệm 50-60% chi phí mua quặng, công ty có kế hoạch nâng mức tự chủ nguyên liệu đầu vào từ 70-80% trong thời gian tới.
Hoá chất Đức Giang cho biết, đã thông qua ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Công nghiệp Hoá chất Lào Cai với nội dung chính: Công ty Công nghiệp Hoá chất Lào Cai thực hiện khai thác quặng apatit tại Khai trường 19b xã Đồng Tuyển (Lào Cai). Trữ lượng quặng khai thác là hơn 5 triệu tấn, thời gian khai thác 5 năm.
Đặc biệt, Hoá chất Đức Giang sẽ thực hiện bao tiêu toàn bộ sản lượng quặng apatit được Công nghiệp Hoá chất Lào Cai khai thác tại đây.