Theo Thanh Niên, đây là sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Theo thống kê Các doanh nghiệp này hiện chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, thu hút trên 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP. Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội và bền vững môi trường của Việt Nam.
Sáng kiến này sẽ thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, còn được biết đến là tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Các nhà đầu tư sử dụng bộ tiêu chuẩn ESG để đo lường mức độ một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, quản lý mối quan hệ với người lao động, khách hàng và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động và áp dụng quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Tiêu chuẩn ESG là sự công nhận việc sự bền vững của doanh nghiệp thể hiện ở nhiều mặt, không chỉ ở khía cạnh các vấn đề môi trường mà còn là vấn đề con người, nguồn lực và các hệ thống. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, tạo ra tác động tốt cho cộng đồng và có tiếp thu ý kiến, góp ý từ những người dân bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp thì đạt được sự tăng trưởng ổn định và có các mô hình kinh doanh vững chắc hơn.
Sáng kiến này sẽ giúp các doanh nhiệp nhỏ và đang tăng trưởng áp dụng tiêu chuẩn ESG. Mục tiêu là đến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó 10 doanh nghiệp sẽ nhận được hỗ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo. Nỗ lực này góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.
Phát biểu tại lễ công bố, Giám đốc Khu vực Châu Á của USAID Michael Schiffer cho biết sáng kiến này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ nâng cao sức cạnh tranh và tăng cường đổi mới sáng tạo, khắc phục những hạn chế và định hình con đường tăng trưởng bền vững và tạo việc làm nhằm tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trước tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế ASEAN, APEC về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế carbon… đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Sáng kiến Thúc đẩy thực hành phương pháp Môi trường – Xã hội - Quản trị trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững sẽ là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan toả, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tích cực thực hành theo phương pháp này, hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.