Trước đó, tin đưa rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Trung Quốc đang làm mọi cách có thể để tăng cường kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp trọng điểm của các nước phương Tây. Theo ông, không nên tạo cơ hội cho các quốc gia độc tài sử dụng sự yếu kém của phương Tây để tiến hành hoạt động lật đổ.
"Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những chiếc xúc tu của NATO ngày càng vươn ra rộng hơn, sâu hơn. NATO không chỉ can thiệp cả vào không gian và không gian mạng, là những lĩnh vực lẽ ra do Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế chuyên trách quản lý, không chỉ tham gia cả vào lĩnh vực bảo vệ tập thể các thành viên, mà còn mở rộng can thiệp vào nhiều lĩnh vực dân sự, bao gồm biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng cơ bản, đổi mới công nghệ, chuỗi cung ứng, năng lượng và chăm sóc sức khỏe", nhà ngoại giao này cho biết. Ông nhấn mạnh rằng "NATO, với tư cách là một tổ chức khu vực, nên tôn trọng nghiêm ngặt ranh giới địa lý của mình, không nên cố gắng thiết lập các quy tắc hoặc quy trình riêng và tìm cách vượt quá thẩm quyền của mình."
"Sự hình thành và phát triển của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là kết quả của sự vận động tổng hợp giữa quy luật thị trường và sự lựa chọn của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác tích cực và bình đẳng trong các lĩnh vực liên quan với các quốc gia và doanh nghiệp ở nhiều khu vực, bao gồm cả các quốc gia là thành viên NATO, mang lại lợi ích đáng kể cho người dân của tất cả các bên," - ông nói.
Theo Zhao Lijian, việc sử dụng các hệ tư tưởng và hệ giá trị để vạch ra các ranh giới trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và thương mại không chỉ gây tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, không khác gì một người tự bắn vào chân mình.