Đại hội IX lần này sẽ xem xét chỉnh sửa Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phù hợp hơn với quy định của Luật Đất đai, như về sở hữu tài sản, sổ đỏ cấp cho chùa, trong đó có lưu ý đến quan điểm, nếu tăng ni không chứng minh được tài sản riêng, khi hoàn tục sẽ không được mang theo.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Chiều 23/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo về việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.
Phát biểu tại họp báo chiều nay, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Đại hội Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 nhiệm kỳ 2022 – 2027 chính thức diễn ra từ ngày 28-29/11 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.
Theo Hoà thượng, tham gia Đại hội có 1.091 đại biểu gồm Chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử thành viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước và đại biểu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, khách mời của Giáo hội gồm các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại biểu chức sắc các tổ chức tôn giáo bạn.
Hòa thượng Thích Huệ Thông cho hay, trước Đại hội chính thức, các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai mạc triển lãm về thành tựu Phật sự của Giáo hội Việt Nam, đúc kết nội dung góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VII.
Hòa thượng Thích Huệ Thông nhấn mạnh, với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội là một sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chơng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội để tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo (2022-2027).
Suy tôn Đức Pháp chủ
Đại hội sẽ tập trung thảo luận, quyết tâm thống nhất ý chí và hành động của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước để trong nhiệm kỳ IX (2022-2027) thực hiện thành công 12 mục tiêu, chương trình tổng quát mà đại hội đề ra.
Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần này cũng có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại Đại hội lần này sẽ suy tôn hòa thượng Thích Trí Quảng chính thức làm Đức đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sau nghi thức suy tôn, Đại hội sẽ cử hành nghi lễ tụng bài Kinh Chuyển pháp luân, bày tỏ ý chí, nguyện vọng dâng Đức Pháp chủ. Phát biểu của Đức Pháp chủ sẽ được ban bố tới đại biểu, tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, sau khi hòa thượng Thích Phổ Tuệ viên tịch được 49 ngày, hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy tôn làm quyền Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời, Đại hội cũng sẽ thực hiện nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội; thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân Chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số Phật sự khác.
“Đại hội sẽ tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội để phù hợp với Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Đất đai để hài hòa giữa pháp luật nhà nước và hoạt động của Giáo hội trong thực tế”, thông tin tại cuộc họp báo cho hay.
Chẳng hạn, đại diện Giáo hội nêu tại cuộc họp báo vấn đề Hiến chương sẽ hướng dẫn các chùa xin cấp con dấu từ Nhà nước, từ đó mới được giao đất và quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ theo quy định của Luật đất đai.
“Lâu nay có chuyện, có chùa có con dấu có chùa không, một số chùa chưa làm sổ đỏ”, theo Hoà thượng Thích Gia Quang.
Tăng ni không chứng minh được tài sản, hoàn tục sẽ không được mang theo
Đối với việc quản lý tài sản ở chùa, Đại hội hướng tới chỉnh sửa Hiến chương của Giáo hội.
Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Hiến chương Giáo hội trước đây chưa quy định cụ thể quyền tài sản của cá nhân tăng ni. Hiến chương mới sẽ có quy định rõ về vấn đề này để tránh tình trạng sử dụng tiền của Tam Bảo làm của riêng.
Trước đây hiến chương cũng không quy định chuyện tài sản, nhưng Nội quy Ban Tăng sự của giáo hội đã quy định rõ. Theo đó, nếu tăng ni đang ở chùa, muốn sở hữu tài sản riêng phải chứng minh được tài sản là của riêng mình như tài sản do cha mẹ, anh chị em cho tặng hay do phật tử cúng dường riêng cho tăng ni…
“Còn nếu không chứng minh được, toàn bộ tài sản đều thuộc của Tam Bảo”, Hoà thượng nói và khẳng định, nếu hoàn tục mà nói đó là tài sản riêng để mang đi giáo hội không chấp nhận.
Hoà Thượng Thích Huệ Thông cũng nêu, trong Hiến chương giáo hội dự kiến sẽ đề cập sâu các vấn đề này.
“Tất cả cơ sở của giáo hội, chùa chiền đều trực thuộc giáo hội, tuy nhiên cũng còn có một số chùa làng, chùa thân tộc, chùa gia đình. Với các chùa do giáo hội quản lý, sổ đỏ cho chùa sẽ cấp tên của chùa, không cấp cho một cá nhân đứng tên, thuộc giám sát của giáo hội. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống cũng có vấn đề này nọ”, theo Hoà thượng.
Đối với vấn đề này, Giáo hội cũng đã nắm được, nên Đại hội lần này hy vọng sẽ có thể từng bước được ổn định khi đưa các vấn đề trên vào Hiến chương.
Hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) diễn ra trong bối cảnh phần lớn thời gian nhiệm kỳ phải đối diện với những khó khăn, thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19.
Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội