Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hạch toán doanh thu chưa đúng thẩm quyền?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký văn bản đề nghị phê duyệt chuyển tên nhà thầu nắm giữ 25% quyền lợi tham gia trong hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2 từ PVN sang PVEP và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh đối với PSC Lô 11-2.
Sputnik
Điều này được cho là chưa đúng thẩm quyền, không có cơ sở và chưa phù hợp với các quy định của luật Dầu khí, luật Đầu tư, Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 quy định chi tiết một số điều của luật Dầu khí và các quy định pháp luật khác liên quan.

PVN đề xuất chuyển tên nhà thầu tại Lô 11-2

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN/Petrovietnam) vừa đề xuất phê duyệt chuyển tên nhà thầu trong hợp đồng chia sản phẩm dầu khí tại Lô 11-2 sang Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP). Điều này được cho là “không có cơ sở, chưa đúng quy định pháp luật”.
Cụ thể, ngày 22/11, thông tin trên báo Thanh Niên phản ánh cho biết, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, mới đây ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, đã ký văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trả lời về đề xuất phê duyệt chuyển tên nhà thầu trong hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2.
Được biết, trước đó PVN đã gửi văn bản số 4027/KDVN-HĐTV ngày 19/7 và văn bản số 4984/DKVN-HĐTV ngày 31/8 đề nghị phê duyệt chuyển tên nhà thầu nắm giữ 25% quyền lợi tham gia trong hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2 từ PVN sang PVEP và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh đối với PSC Lô 11-2.
PVN và Power Machines bàn bạc dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1
Tuy nhiên, sau khi họp bàn, Bộ Công Thương cho rằng về cơ sở pháp lý, căn cứ giấy phép điều chỉnh số 363/GPEXC7 ngày 15/2/2005 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp, đến thời điểm hiện tại PVN vẫn là một bên tham gia và sở hữu 25% quyền lợi tham gia trong hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2 .
Ngoài ra, danh mục tài sản của PVEP (ban hành kèm Quyết định số 1311/QĐ- DKVN ngày 4/5/2007 của PVN về việc thành lập PVEP) không có tài sản là quyền lợi tham gia tại hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2.
Tại danh mục này cũng không có quyết định của Hội đồng quản trị/thành viên của PVN về việc giao 25% quyền lợi tham gia của PVN tại hợp đồng chia sản phẩm dầu khí tại Lô 11-2 cho PVEP (chỉ có biên bản xác định phần vốn nhà nước tại PVEP ngày 4/9/2008 ký giữa đại diện PVN và PVEP).

“Không có cơ sở và chưa đúng thẩm quyền”

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, cả Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí không báo cáo, không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền lợi tham gia và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh đối với hợp đồng chia sản phẩm dầu khí tại Lô 11-2.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất của PVN về việc phê duyệt chuyển tên nhà thầu nằm giữ 25% quyền lợi tham gia tại hợp đồng chia sản phẩm dầu khí tại Lô 11-2 từ PVN sang PVEP và cấp chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh đối với hợp đồng phân sản phẩm dầu khí tại Lô 11-2, theo đó xác nhận việc chuyển giao nêu trên từ ngày 31/12/2007 là “không có cơ sở, chưa phù hợp” với các quy định của luật Dầu khí, luật Đầu tư, Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 quy định chi tiết một số điều của luật Dầu khí và các quy định pháp luật khác liên quan.
PVN: PVEP lãi lớn, đẩy nhanh tiến độ dự án mỏ Cá Tầm, Sư Tử Trắng, Đại Hùng
Được biết, Bộ Công Thương đã trả lại hồ sơ và đề nghị PVN rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đó lưu ý làm rõ và đề xuất phương án xử lý đối với nội dung liên quan đến việc toàn bộ doanh thu và chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 11-2 được hạch toán về PVEP trong giai đoạn từ ngày 1/1/2008 đến nay theo đúng quy định và theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng lưu ý PVN phải xin ý kiến các Bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các nội dung vượt thẩm quyền.
Thảo luận