PCA nhìn thấy điều đặc biệt ở Việt Nam để đặt văn phòng thứ 5 trên thế giới

Việt Nam chính thức khánh thành văn phòng đại diện của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mang tên “Ngôi nhà hoà bình” vào sáng 24/11. Đáng chú ý, đây là văn phòng đại diện thứ 5 của PCA trên toàn thế giới.
Sputnik
Quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, theo lời Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak chia sẻ, là vì Việt Nam và PCA có cùng tôn chỉ “không chọn bên, mà chỉ chọn lẽ phải, công lý”.

Việt Nam chính thức có văn phòng đại diện Tòa Trọng tài Thường trực

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sáng ngày 24/11, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak đã chính thức khánh thành Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội, đồng thời thực hiện gắn biển tên "Ngôi nhà Hòa bình" tại 48A Trần Phú, Hà Nội.
“PCA là một tổ chức giải quyết tranh chấp vô cùng quan trọng ở cấp độ quốc tế, hoạt động với nguyên tắc ‘tiếp cận thường trực’ và đóng vai trò tích cực cũng như hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi lễ.
Được thành lập từ năm 1899, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên. Việt Nam đã trở thành thành viên của PCA từ năm 2011.
PCA có trụ sở chính tại Cung điện Hòa bình ở thủ đô The Hague, Hà Lan. Với văn phòng tại Hà Nội, PCA có tổng cộng 5 văn phòng đại diện trên thế giới.
Lễ ra mắt Tòa Trọng tài Thường trực tại Việt Nam
Bốn văn phòng còn lại là ở Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore và Vienna (Áo).
Dù PCA là toà thường trực, nhưng lại không có chức năng xét xử, thay vào đó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài một cách hoà bình.
Trong quá trình hoạt động của mình, PCA đã hỗ trợ giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng được biết đến nhiều nhất với vai trò trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc liên quan Biển Đông do Philippines đệ trình năm 2013.
Đối với vụ kiện này, PCA giữ vai trò như thư ký của vụ kiện như thu thập thông tin, đưa ra các thông báo.Tòa án trực tiếp giải quyết vụ kiện Biển Đông là Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục số VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hiện trong số các thành viên của PCA có 4 người Việt Nam, theo danh sách chính thức trên website của tổ chức này.

Điều đặc biệt

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam là bước tiến của PCA nhằm quảng bá dịch vụ của mình tới các khu vực trên thế giới, và đồng thời phản ánh cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nêu rõ, giữa bối cảnh thế giới đối mặt với những thay đổi phức tạp và khó đoán, việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nên được duy trì, đặc biệt trong quá trình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Sự hiện diện ngày càng gia tăng của PCA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các quốc gia về những nguyên tắc này.

“Việc Việt Nam ủng hộ và hỗ trợ PCA đặt văn phòng tại Hà Nội thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak nhận định việc mở văn phòng PCA ở Hà Nội thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và hòa bình giải quyết tranh chấp.
Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak nhấn mạnh, quyết định mở văn phòng đại diện tại Việt Nam là bởi Hà Nội và PCA đều có cùng tôn chỉ không chọn bên, mà chỉ chọn lẽ phải. Việc lấy tên ‘Ngôi nhà hoà bình’ thể hiện cho điều đó. Đây là một trong năm văn phòng đại diện của PCA trên khắp thế giới.
Hôm 21/11, Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak đã có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm Việt Nam.
Lễ ra mắt Tòa Trọng tài Thường trực tại Việt Nam
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Văn phòng PCA tại Hà Nội sẽ tiếp nhận nhiều người Việt vào làm việc, nâng cao trình độ pháp lý quốc tế của chuyên gia Việt Nam và nhận được sự tham vấn, hỗ trợ từ PCA trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thư ký PCA Marcin Czepelak chia sẻ rất tâm đắc với khẳng định của Thủ tướng về việc Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải. Đó là điều đặc biệt. Bởi theo ông, đây là tôn chỉ của PCA và cũng là một trong những lý do PCA quyết định đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam – văn phòng thứ 5 trên thế giới của PCA.
Để đạt được bước tiến hôm nay, PCA và phía Việt Nam đã liên tục duy trì liên lạc, trao đổi từ năm 2014 đến nay, kể cả trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Lễ ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và PCA về thành lập văn phòng diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái theo hình thức trực tuyến.
Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak nhấn mạnh việc mở văn phòng đại diện là dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác, hợp tác sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam và PCA nhiều năm qua.
Biển Đông
Việt Nam sẽ không cho phép UNCLOS thành “tờ giấy lộn”
Ông Czepelak cũng bày tỏ sự khâm phục, đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Tổng Thư ký PCA cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao và cá nhân Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng như sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Ông cũng gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đã cam kết phối hợp, ủng hộ các hoạt động của Văn phòng PCA Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng thư ký PCA hy vọng được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Cung điện Hòa bình ở Hà Lan.
Thảo luận