Ngân hàng Phát triển châu Á cũng ghi nhận về tình hình trái phiếu ở Việt Nam giữa các biến động thị trường gần đây và cho biết, dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt 67,3 tỷ USD.
ADB nhận định về tình hình trái phiếu ở Việt Nam
Cổ phiếu của của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đều giảm sàn vào hôm thứ Năm, đánh dấu ít nhất 17 phiên giảm liên tiếp.
Bloomberg cho biết, trái phiếu bằng đồng đô la đáo hạn vào năm 2026 của Novaland cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này.
Trước các diễn biến nóng trên thị trường trái phiếu gần đây, ngày 25/11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phát hành báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á, trong đó có nhận định đôi nét về thị trường Việt Nam.
Theo ADB, tại Việt Nam, sau khi tăng trưởng mạnh trong quý trước, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 31/8 đến 4/11 đã giảm 0,2% do thị trường trái phiếu sụt giảm và trái phiếu doanh nghiệp tăng chậm hơn.
Tuy vậy, so với quý 3 năm trước, thị trường vẫn tăng 21,1% lên 97,4 tỷ USD. Trái phiếu chính phủ giảm 2% do lượng tín phiếu ngân hàng trung ương đang lưu hành giảm 70,3% so với quý trước.
Theo ADB, dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt 67,3 tỷ USD. Việc trái phiếu doanh nghiệp giảm 4,1% so với quý trước đã đưa phân khúc này đạt 30,1 tỷ USD.
Thực tế, diễn biến thị trường trái phiếu Việt Nam cũng giống với khu vực khi các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với USD, chứng khoán sụt giảm và phí bảo hiểm rủi ro tăng.
Thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu
Theo ADB, trong hơn 2 tháng qua, hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp.
Trong đó, lạm phát toàn cầu, tăng trưởng chậm hơn ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và suy thoái kinh tế từ việc xung đột Nga – Ukraina tiếp tục đe dọa những triển vọng ngắn hạn của khu vực.
Theo ADB, tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ của khu vực Đông Nam Á mới nổi giảm 4,5% so với quý trước.
“Trong khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,7%, chủ yếu là nhờ việc các công ty Trung Quốc tận dụng những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong nước”, Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết.
Chuyên gia của ADB đặc biệt lưu ý, lãi suất tăng ở khu vực đã dẫn tới mức sụt giảm 2% trong lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường Đông Nam Á mới nổi.
Nhìn chung, việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở khu vực này đã giảm 1,1% so với quý trước, xuống còn 2,2 nghìn tỷ USD trong quý 3 trong bối cảnh tâm lý đầu tư ảm đạm. Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tăng 2,3% lên 22.000 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho biết, dù các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10 so với tám tháng đầu năm 2022.
“Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực này về cơ bản vẫn có khả năng chống chịu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi”, ông Albert Park tin tưởng.
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trong báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á mới nhất của mình, ADB cũng nhấn mạnh những lưu ý về hai chủ đề đặc biệt.
Thứ nhất là mối quan hệ giữa hội nhập thương mại khu vực và hội nhập tài chính khu vực. Thứ hai là việc thúc đẩy sự ổn định tài chính và khả năng chống chịu trước các cú sốc thông qua phát triển các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ.
Giảm phát hành trái phiếu
Theo số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 3/2022, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm khoảng 68% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng nhóm xây dựng và bất động sản có giá trị phát hành sụt giảm nhiều nhất, mất lần lượt 98,7% và 93,4%.
Khối lượng phát hành của các nhóm khác cũng giảm mạnh. Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 3/2022 chỉ có kỳ hạn từ 1 - 3 năm, chiếm khoảng 52% khối lượng phát hành. Lãi suất phát hành trung bình ở mức 7,17%, tăng nhẹ so với quý trước.
VBMA cũng cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh trong năm nay, với giá trị trái phiếu thông qua phát hành riêng lẻ giảm 51%, xuống 240.76 ngàn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm. Số này chiếm 96% tổng giá trị bán trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó, chỉ số VN-Index sụt 36% vì đợt giảm mạnh của các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Trước tình hình này, hôm 23/11, như Sputnik đã đưa tin, lãnh đạo Bộ Tài chính đã phải họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp với đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, TP.HCM, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu.