World Cup 2022 tại Qatar đang thu hút hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nhu cầu xem các trận đấu tăng mạnh trên nền tảng internet thông qua các thiết bị di động cá nhân. Trong không gian mạng xuất hiện nhiều nền tảng có thể truy cập tự do, thỏa mái, trong khi nội dung phát trực tuyến đa phần là dịch vụ phải trả phí cho các đơn vị cung cấp có mua bản quyền phát sóng, và người xem phải có tài khoản để theo dõi. Với nhiều người, điều này không thực sự tiện lợi, vì vậy họ sử dụng dịch vụ của những trang website không có bản quyền truyền hình. Có cầu thì có cung. Có chợ có người. Chính vì vậy, các web lậu "mọc lên như nấm". Mục đích chính: Kiếm tiền từ quảng cáo.
Lậu tràn lan, người dùng vẫn thích
Phóng viên Sputnik thử tìm các kênh xem bóng đá với từ khóa "trực tiếp bóng đá hôm nay" trên Youtube, Google. Cùng với những kết quả VTV, FPT Play là hàng loạt các địa chỉ như “Cảm Bóng Đá”, “Tuyền Văn Hóa”, Bóng Đá Mơ”, “Thuật Thể Thao”, xoilac, socolive,... xuất hiện ở ngay trang đầu. Các nội dung được lấy từ nguồn VTV, nguồn nước ngoài, sau đó chèn logo của trang. Một số trang quảng cáo cho các dịch vụ cá cược bóng đá.
Nhiều giải đấu bóng đá, trong đó có WC, được các đơn vị ở Việt Nam mua bản quyền và phát trên nền tảng riêng. Nhưng các trang và kênh không chính thức, không có bản quyền, nói trắng ra là lậu, vẫn tràn lan và vẫn có được nhiều người sử dụng. Vì sao vậy?
“Các đường link này được cộng đồng mê bóng đá chia sẻ, hoặc dễ dàng tìm kiếm sử dụng những công cụ tra cứu trên Internet. Việc không cần đăng nhập tài khoản như truyền hình trả phí, dễ tìm kiếm, hấp dẫn nhiều phan bóng đá”, - Anh Lê Hòa, một người hâm bộ bóng đá từ Hà Nội, nói với Sputnik.
“Những website này cho phép xem bóng đá chất lượng mà không phải tốn tiền mua bản quyền. Rồi có người cho rằng, các bình luận viên (BLV) bóng đá của truyền hình Việt Nam đôi khi bình luận lan man nên nhiều người thích xem web lậu để nghe các BLV quốc tế chuyên nghiệp bình luận. Những người khác thì nói nghe bình luận trên các kênh lậu gần gũi hơn…Nói chung, trăm người trăm ý, trăm người bán vạn người mua, nói theo thành ngữ Việt Nam”, - Anh Nguyễn Thanh Sơn từ TP Huế phát biểu với Sputnik.
Người dân Đà Nẵng hào hứng theo dõi trận đấu đầu tiên của giải qua truyền hình trực tiếp giữa đội chủ nhà Qatar gặp đội Ecuador sau lễ khai mạc.
© Ảnh : TTXVN - Trần Lê Lâm
Theo các chuyên gia an ninh mạng, phần lớn các kênh phát nội dung lậu đều từng bị phát hiện và chặn tại Việt Nam. Tuy nhiên, thường chỉ tên miền bị chặn, cho nên chỉ cần tạo tên miền mới là có thể hoạt động trở lại.
“Cách đây không lâu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo và chặn hàng loạt trang web như xoilac3, vebo2 và một số trang khác do cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, trò chơi điện tử trái phép mang tính chất cờ bạc. Nhưng sau đó, những trang này chỉ thay vài ký tự trong tên miền và tiếp tục hoạt động. Thậm chí, một số còn phát hành ứng dụng tránh bị chặn”, - Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Hải từ Hà Nội nói với Sputnik.
Đừng tiếp tay cho hành động vi phạm bản quyền!
Những trang web bóng đá lậu, thể thao lậu, phim lậu.v.v… không còn là điều xa lạ trong thế giới công nghệ hiện đại. Về bản chất, đó là sự đánh cắp bản quyền. Về hình thức, đó là sự lưu hành trái phép sản phẩm thông tin truyền thông.
Theo các chuyên gia an ninh mạng Sputnik đã phỏng vấn, khi truy cập vào những trang web này, người dùng trên mạng có thể gặp phải những rủi ro sau đây:
Trước hết là sa đà vào tệ nạn đánh bạc trên mạng, thậm chí là bị lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc. Những trang web bóng đá lậu thường lợi dụng những sự kiện thể thao lớn như World Cup, Champions League, UEFA Cup, ASIA Cup, AFF Cup để mở dịch vụ cá cược trái phép. Từ đó dẫn dụ người dùng tham gia các trò cá cược và lừa đảo người dùng. Những ai sa vào trò này đều bị “nhà cái” lột sạch. Về pháp lý, người dùng sẽ đối mặt với cáo buộc phạm tội đánh bạc và sẽ bị xử lý hành chính theo Khoản 2, Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ hoặc bị xử hình sự theo Điều 321, Bộ luật HÌnh sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Rủi ro tiếp theo là không ít các trang web thể thao lậu, phim lậu, bóng đá lậu .v.v… thường có chứa các mã độc. Nhẹ thì gây ra nghẽn mạng, từ chối truy cập, gây quá tải.v.v…; nặng hơn là truy cập trái phép, thu thập trái phép thông tin bí mật của tổ chức và cá nhân. Đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng của “khổ chủ”. Không ít nạn nhân đã bị đánh cắp phần lớn hoặc toàn bộ tiền gửi của mình tại ngân hàng do truy cập các trang web bóng đá lậu này.
Một rủi ro nữa là hành động sử dụng trang web bóng đá lậu là sự tiếp tay cho hành động vi phạm bản quyền. Mặc dù pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định xử lý hành động tiếp tay này nhưng các máy trạm truy cập vào các trang web bóng đá lậu có thể bị nhà mạng tạm thời ngắt kết nối.
“Các nhà mạng cần có phương án phối hợp với nhau trong việc rút ngắn thời gian chặn web, chặn các ứng dụng phát sóng lậu. Việc có một chế tài đối với các công ty, tổ chức chi tiền quảng cáo trên các trang phát sóng lậu cũng rất cần thiết. Song song với đó, người dùng mạng cũng cần nâng cao nhận thức về việc tôn trọng bản quyền”, - Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Hải từ Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.