Các mục tiêu chiến lược dài hạn của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tương đồng đáng kể" với mục tiêu của 10 quốc gia Đông Nam Á, - ông Don McLain Gill, chuyên gia về chính sách đối ngoại, giám đốc phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á tại Hiệp hội Nghiên cứu Philippines - Trung Đông, nói với Sputnik.
Thái độ của Ấn Độ đối với ASEAN
Ông Gill cho biết, cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ đều đồng ý rằng, khu vực này nên có "tính toàn bộ" và không nên có "chính sách chia thành các khối khác nhau".
Kể từ năm ngoái, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cùng có lợi chỉ với ba quốc gia - Trung Quốc, Úc và Hoa Kỳ.
"Theo quan điểm của Ấn Độ “chính sách chia thành các khối khác nhau” không phải là một phương tiện hiệu quả để thúc đẩy lợi ích quốc gia", - ông Gill nói.
Ông cũng lưu ý rằng, New Delhi đang tìm cách duy trì "quyền tự chủ chiến lược" trong quan hệ đối ngoại.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, vị thế của New Delhi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, như được nêu trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ được Thủ tướng Narendra Modi công bố tại Hội nghị cấp cao Đông Á 2019 ở Bangkok.
Ông Gill cho biết, các nước ASEAN tiếp tục không đứng về phía nào trong "cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc" Mỹ và Trung Quốc, mà họ đã nhiều lần nói rõ với chính phủ của cả hai nước.
Ông nói:
“Ấn Độ muốn chứng tỏ rằng, sự phát triển của họ với tư cách là một cường quốc toàn cầu và khu vực sẽ được bổ sung bởi một tầm nhìn có "tính toàn bộ" và không đặt ra yêu cầu cứng rắn đối với các quốc gia khác”.
Chuyên gia lưu ý rằng, các quốc gia Đông Nam Á rất tôn trọng lập trường của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và New Delhi được coi là "tiếng nói hàng đầu" đối với các nước đang phát triển trong khu vực.
New Delhi cho thấy "sự hiểu biết tốt hơn về sự đa dạng của châu Á" so với các đối tác khác của ASEAN như Mỹ và Úc.
Ông Gill cho rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và ASEAN và cuộc đối thoại đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước vào tuần này cho thấy rõ rằng, New Delhi "đang nhanh chóng trở thành một đối tác ngày càng quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á".
Chuyên gia lưu ý rằng, sự lớn mạnh của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và những bước tiến mới của Ấn Độ trong tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu "làm lu mờ" "năng lực vật chất" của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đồng thời, những “sự kiện lớn” trong quá trình tái cấu trúc trật tự thế giới do sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như sự nổi lên của các cường quốc khác như Ấn Độ và Nhật Bản, mang lại cho cả New Delhi và ASEAN “nhiều động lực” để phát triển sự hợp tác trong khu vực.
Ấn Độ và Mỹ có quan điểm khác nhau về một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở"
Chuyên gia Don McLane Gill lưu ý rằng, có sự khác biệt giữa nhận thức của Ấn Độ và Hoa Kỳ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ đã đưa Ấn Độ vào danh sách các đối tác chiến lược toàn cầu vào năm 2020, và New Delhi là một thành viên của “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) do Washington dẫn đầu, bao gồm cả Nhật Bản và Australia.
“Cả hai bên đều là những đối tác dân chủ có cùng chí hướng, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, động cơ chính trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là duy trì vị thế là một cường quốc thường trú trong khu vực”, - ông Gill nói.
"Tầm nhìn của Ấn Độ thể hiện sự trỗi dậy của nước này với tư cách là một nhà lãnh đạo tiềm năng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, một số khác biệt (giữa Ấn Độ và Mỹ) là không thể tránh khỏi. Có vẻ như New Delhi thích nghi hơn với các quan điểm khác nhau và tầm nhìn của họ có tính toàn bộ, trong khi Washington tìm cách thúc đẩy lợi ích riêng của mình trong khu vực", - chuyên gia về Đông Nam Á cho biết.
Ông Don McLain Gill cho rằng, mặc dù tại nhiều diễn đàn khác nhau Mỹ liên tục cam kết tôn trọng "vị trí trung tâm" của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng, hiệp ước AUKUS ra đời vào tháng 9 năm ngoái đã "làm loãng" cam kết của Washington đối với nguyên tắc đó.
Indonesia và Malaysia, hai quốc gia lớn trong ASEAN, đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại của Trung Quốc về kế hoạch của Mỹ đóng tàu ngầm cho Úc để AUKUS cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể châm ngòi "cuộc chạy đua vũ trang" trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Phnom Penh vào tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng đưa ra quan điểm tương tự, ông nói rằng, các sáng kiến an ninh khu vực nên phản ánh "sự đồng thuận rộng rãi hơn".