Hàng loạt kiến nghị tháo gỡ vương mắc cho 143 dự án bất động sản tại TP.HCM

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, trong số 703 dự án thuộc diện “đang triển khai” (không thuộc trường hợp bị thu hồi dự án) thì đang có khoảng 143 dự án bị “vướng mắc pháp lý” nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án.
Sputnik
Trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của khu vực tư nhân và các dự án “đầu tư công”. Trong đó, có 451 dự án đã hoàn thành (chỉ chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (chiếm 45,9%) và có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (dự án treo).
Đây phần lớn là các dự án “đầu tư công” do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng (da beo), trong đó chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định “hệ số điều chỉnh giá đất” cao hơn từ 4 - 35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Các “dự án treo” này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.
Điểm tên 10 tỉnh trong kế hoạch thanh tra quy hoạch và mua bán bất động sản của Bộ Xây dựng
Trong số 703 dự án thuộc diện đang triển khai (không thuộc trường hợp bị thu hồi) có khoảng 143 dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án.
Theo HoREA do vướng mắc pháp lý nên thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, công bằng, chưa an toàn, lành mạnh, chưa ổn định, bền vững, thể hiện qua mô hình thị trường bất động sản như hình “kim tự tháp bị lộn ngược đầu”, do tỷ lệ nhà ở cao cấp chiếm đến khoảng 80%, còn lại là nhà ở trung cấp, không còn loại nhà ở giá vừa túi tiền và rất thiếu nhà ở xã hội.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong thực hiện các dự án bất động sản ở TP.HCM và đề xuất các giải pháp.
Đáng chú ý, trong các giải pháp cho thị trường trái phiếu đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường giảm tốc, HoREA đã đề xuất gia hạn kỳ hạn trái phiếu.
Cụ thể, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nghị định 65 theo hướng quy định chặt chẽ để đảm bảo nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn đánh giá tín nhiệm, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.
Việt Nam họp loạt ông lớn bất động sản giữa biến động trái phiếu, cạn nguồn tiền
Ngoài ra, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại nghị định 65.
HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và chỉ cần Chính phủ có ý kiến cho phép các tổ chức này mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư.
Liên quan đến các giải pháp về tín dụng, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, trong đó lĩnh vực bất động sản hấp thụ khoảng 20% nguồn vốn tín dụng.
Thảo luận