HĐQT CTCP Phát Đạt đã thông qua chủ trương đồng ý cho chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng, tương đương gần 89% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình.
Phát Đạt muốn bán dự án cao ốc 197 Điện Biên Phủ
Sau thông báo mua lại lô trái phiếu 150 tỷ đồng, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) lại bất ngờ muốn bán dự án cao ốc 197 Điện Biên Phủ
Hội đồng quản trị CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) vừa thông qua chủ trương đồng ý cho công ty chuyển nhượng hơn 28,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng, tương đương gần 89% vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Hòa Bình.
Đây là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. HCM (còn gọi là Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến).
Được biết, hồi tháng 6/2022, Phát Đạt vừa nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của công ty này. Tuy nhiên, giá trị nhận chuyển nhượng không được công bố.
Như vậy, chỉ sau 5 tháng thâu tóm dự án ở Khu phức hợp Hòa Bình - Thanh Yến, đến nay, Phát Đạt tìm kiếm đối tác mua lại.
Địa ốc Hòa Bình thay người đại diện
HĐQT đã giao ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt làm người đại diện công ty tìm kiếm đối tác, đàm phán và quyết định giá trị chuyển nhượng.
Ông Đạt cũng là người quyết định phương thức thanh toán ưu tiên chọn đối tác có khả năng tài chính mạnh và thanh toán nhanh.
Công ty Địa ốc Hòa Bình được thành lập vào năm 2008 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Thông tin trên Nhịp sống thị trường cho biết, hôm 23/11, Địa ốc Hòa Bình vừa công bố thông tin thay đổi người đại diện ông Trương Ngọc Dũng (sinh năm 1984).
Trước đó, người đại diện pháp luật là ông Lê Đình Trí, chồng bà Nguyễn Thị Xuân Loan.
Phát Đạt mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng
Hôm nay, Phát Đạt cũng vừa công bố thông tin về việc mua lại trước hạn lô trái phiếu mã PDRH2123009 có tổng mệnh giá phát hành là 150 tỷ đồng.
Đây là lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm, phát hành ngày 16/12/2021 và ngày đáo hạn là 16/12/2023. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 25/11/2022.
Phát Đạt cho biết đã chuẩn bị dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, bao gồm cả trái phiếu từ cuối năm nay đến 2023.
Trước đó, ngày 21 và 25/10, Phát Đạt cũng đã thực hiện tất toán trước hạn khoản vay vốn lưu động có giá trị tổng cộng 220 tỷ đồng cho Tập đoàn tài chính Mirae Asset (Hàn Quốc).
Như vậy, so với số liệu theo báo cáo tài chính quý 3/2022, số dư nợ vay của Phát Đạt giảm 370 tỷ đồng. Theo đó, tại thời điểm cuối quý 3/2022, nợ phải trả tại của Phát Đạt tăng 24% lên 15.395 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2022 của Phát Đạt đạt 5.266 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, trong đó, vay ngân hàng là 1.148 tỷ đồng, nợ vay trái phiếu phát hành là 2.846 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay khác.
Như vậy, ước tính sau khi tất toán lô trái phiếu lần 9/2021 và khoản vay vốn lưu động cho Mirae Asset, tổng số dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) của Phát đạt còn 4.896 tỷ đồng.
Trong đó số dư nợ trái phiếu xuống còn 2.698 tỷ đồng. Với số dư nợ vay này thì ước tính tỷ lệ “vay (ngắn hạn + dài hạn)/vốn chủ sở hữu” đã giảm từ mức 0.51 tại thời điểm cuối quý 3/2022 xuống mức 0.47.
Đáng chú ý, Phát Đạt thường xuyên duy trì tỷ lệ này ở mức dưới 0.5 từ quý 2/2020 đến nay.
Cổ phiếu giảm là do tâm lý nhà đầu tư?
Phát Đạt khẳng định việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Địa ốc Hòa Bình nằm trong chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của Phát Đạt với mục đích tối ưu nguồn lực đầu tư, đảm bảo dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản nợ vay và tất toán trái phiếu trước hạn.
Về áp lực trả nợ trái phiếu và áp lực mua lại trước kỳ hạn, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Phát Đạt cho biết, công ty không gặp áp lực về vấn đề này vì ‘đã có kế hoạch dòng tiền’ để trả lãi và nợ gốc đúng hạn. Dư nợ trái phiếu không quá lớn trên tổng tài sản công ty.
Ngoài ra, với chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư, Phát Đạt đang tập trung triển khai các dự án tiềm năng trong năm 2023.
“Cụ thể, Phát Đạt có kế hoạch triển khai ra thị trường hơn 12.000 sản phẩm đến từ các dự án tại Bình Định, Bình Dương vào cuối quý I/2023 và Bà Rịa Vũng Tàu vào cuối quý II/2023”, theo ông Vũ.
Thông tin về lô trái phiếu của Phát Đạt có tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR, công ty cho biết, thời gian qua, cổ phiếu PDR có những phiên giảm do tâm lý nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô kém tích cực và các chính sách liên quan đến trường bất động sản.
Ngoài ra, các cổ đông sử dụng vốn vay để mua cổ phiếu PDR bị các công ty chứng khoán bán chủ động nhằm thu hồi vốn.
Phiên hôm nay, cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt giảm sàn 16 phiên xuống mốc 12.900 đồng/cp.