Tuy nhiên, đối với mức án của bị can Nguyễn Kim Trung Thái, nhiều người cho rằng, 8 năm tù vẫn còn là “quá nhẹ” nếu nhìn lại suốt quá trình Thái là đồng phạm hành hạ chính con gái ruột bằng vũ khí nguy hiểm, cố tình che giấu hành vi phạm tội của mình và người tình. Luật sư đề nghị Toà điều tra lại và chuyển tội danh của Thái sang tội Giết người nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Nhiều người chưa đồng tình với bản án của Nguyễn Kim Trung Thái
Chiều 25/11, liên quan đến vụ bé Vân An (8 tuổi) bị mẹ ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành tử vong, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, ở Gia Lai) mức án tử hình về Tội giết người, 3 năm tù về Tội hành hạ người khác, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Toà cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) mức án 3 năm tù về Tội hành hạ người khác, 5 năm tù về Tội che giấu tội phạm, tổng hợp hình phạt là 8 năm tù.
Sau khi bản án được tuyên, một số ý kiến cho rằng, phán quyết này là thoả đáng đối với hành vi phạm tội dã man, phi nhân tính mà bị cáo Trang đã thực hiện.
Tuy nhiên, đối với bị cáo Thái, nhiều người cho rằng mức án 8 năm tù là chưa tương xứng với cái chết thương tâm, đau đớn của cháu bé. Có ý kiến đề nghị cần truy tố bị cáo này về Tội giết người.
Sau phiên xử sơ thẩm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho bé V.A, cho rằng, HĐXX đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật khi phán quyết mức án cao nhất - tử hình cho Nguyễn Võ Quỳnh Trang và mức án cao nhất theo đề nghị của VKS với Nguyễn Kim Trung Thái, nhưng vẫn chưa phản ánh đáp ứng nguyện vọng của gia đình bị hại và yêu cầu của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nạn nhân. Ông Thơm đề nghị tòa trả hồ sơ, thay đổi tội danh sang tội Giết người đối với Nguyễn Kim Trung Thái nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cũng bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, kiến nghị, cần phải xem xét lại tội danh của Thái. Theo luật sư, quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa, cha cháu bé đã thừa nhận hành vi phạm tội. Thái khai đã chứng kiến Trang đánh đập, cởi quần áo cháu để đánh đập, dùng kìm bẻ răng cháu một cách dã man, tàn bạo.
Chưa hết, Thái còn dùng hung khí nguy hiểm đánh con gái, nhốt cháu V.A. vào chuồng chung với chó, nhiều lần chứng kiến Trang đánh con nhưng không can ngăn.
Với chuỗi hành động này của Nguyễn Kim Trung Thái, luật sư Nữ nhấn mạnh, là cha ruột nhưng Thái đã cùng Trang đánh bé V.A. bằng hung khí nguy hiểm. Thái đã cùng Trang thực hiện hành vi phạm tội đê hèn. Hành động đó là động cơ thúc đẩy Trang đánh bé một cách man rợ.
“Mặc dù lời khai của Thái tại cơ quan điều tra là đổ tội cho Trang, đã can ngăn không cho Trang đánh đập bé V.A, tuy nhiên lời khai này mâu thuẫn với diễn biến vụ án, với chuỗi hành động của Thái”, - luật sư nói và cho rằng điều tra viên chấp nhận lời khai này và ghi vào biên bản là không hợp lý.
Bà Trần Thị Ngọc Nữ nhận định Thái phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của bé V.A.
Cho vụ việc này là điển hình của bạo lực gia đình, đang được dư luận quan tâm, luật sư kiến nghị TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu thay đổi tội danh đối với Nguyễn Kim Trung Thái từ Hành hạ người khác sang Giết người.
Ai có quyền kháng cáo?
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ trên ANTĐ rằng, Điều 331 Bộ luật TTHS 2015 về người có quyền kháng cáo đã quy định rõ, người có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm bao gồm bị cáo, bị hại và người đại diện của họ.
Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa;
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ...
Theo như lời chuyên gia, như vậy trong vụ án này, các luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bé V.A, cùng gia đình có thể kháng cáo xin đổi tội danh đối với Nguyễn Kim Trung Thái để không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm.
Điều 333 Bộ luật TTHS 2015 quy định, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu nộp đơn kháng cáo trực tiếp tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Nếu người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án, ngày kháng cáo sẽ là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
Việc kháng cáo quá thời hạn có thể được chấp nhận khi có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn theo luật định.
Nếu không đồng ý với phán quyết của toà án, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (bao gồm luật sư bảo vệ bị hại), đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.