Ngoài dầu mỏ, vị thế của Azerbaijan đặc biệt có lợi cho Việt Nam

Azerbaijan và Việt Nam nhất trí mở rộng hợp tác với trong các lĩnh vực mà hai bên đều có thế mạnh gồm công nghiệp dầu khí, lọc dầu và năng lượng tái tạo.
Sputnik
Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động có triển vọng, cả Việt Nam lẫn Azerbaijan đều có những lợi thế nhất định có thể trao cho nhau, qua đó, cùng thúc đẩy tăng cường hợp tác song phương mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Azerbaijan tăng cường hợp tác về dầu khí và năng lượng sạch với Việt Nam

Ngày 27/11, theo cổng thông tin AzerNews của Azerbaijan, quốc gia vùng Caucasus này đang có kế hoạch mở rộng hợp tác với Việt Nam về ngành công nghiệp dầu mỏ, lọc dầu cũng như phát triển năng lượng sạch.
“Nhiều cuộc trao đổi thảo luận về việc mở rộng hợp tác với các đại diện doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực lọc dầu và năng lượng tái tạo đã được tổ chức”, - thông báo nêu.
Thông tin về các cuộc thảo luận được hãng thông tấn Trend có trụ sở tại Baku, tham chiếu báo cáo của Bộ Năng lượng Azerbaijan cho biết.
Các cuộc thảo luận về hợp tác năng lượng Việt Nam - Azerbaijan là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Năng lượng Cộng hòa Azerbaijan, Parviz Shahbazov, với đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân dẫn đầu.
Azerbaijan tiết lộ kế hoạch hợp tác về năng lượng với Việt Nam
Cần nhấn mạnh rằng, hai bên cũng cùng thảo luận việc thiết lập vùng năng lượng xanh và dư địa tăng cường hợp tác về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
“Tầm quan trọng của Ủy ban Liên chính phủ Azerbaijan-Việt Nam về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Kỹ thuật cũng được đề cập trong cuộc họp. Ngoài ra, hai bên cùng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo trong thời gian tới”, - tuyên bố khẳng định.
Theo truyền thông Azerbaijan, trong cuộc họp, đại diện chính quyền Azerbaijan cũng như Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương của Việt Nam cũng đề cập về việc tăng cường gắn kết giữa hai nền kinh tế khi cả Azerbaijan và Việt Nam đều nằm trên con đường tơ lụa lịch sử và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quốc tế hiện có cũng như Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam, Đông – Tây, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thương mại và quan hệ giao thương giữa hai nước.

Hợp tác năng lượng trong quan hệ Việt Nam - Azerbaijan

Thực tế, với địa thế thuận lợi, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng cơ sở cũng như cảng biển, Cộng hoà Azerbaijan, có thể trở thành một trạm trung chuyển, giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu nhanh hơn, cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển, từ đó, nâng cao tính cạnh tranh.
Việt Nam cũng được xem là cửa ngõ quan trọng để Baku có thể giao thương sâu rộng hơn với các nước Đông Nam Á, tăng cường hội nhập kinh tế.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elnur Mammadov nêu tại buổi tiếp xúc với báo giới Việt Nam ngày 18/7/2022 tại Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội, hai bên còn rất nhiều dư địa để mở rộng hợp tác.
Theo ông, trao đổi thương mại giữa Hà Nội và Baku không ngừng tăng lên. Nhà ngoại giao dẫn chứng trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Azerbaijan đã tăng gấp 3 lần. Cả năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 160 triệu USD. Nhưng những kết quả này chưa bao quát hết được triển vọng hợp tác to lớn giữa hai nước.
“Đây là một thông tin rất tốt lành cho sự khởi đầu một năm. Kim ngạch thương mại song phương năm ngoái là xấp xỉ 160 triệu USD, và con số đã tăng nhanh trong năm nay”, - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Elnur Mammadov nêu.
Có 3 lĩnh vực nổi bật và còn nhiều ngành kinh tế mà hai nước có thể tận dụng khai thác hợp tác trong thời gian tới gồm có dầu khí, xây dựng – tái thiết và logistics.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Azerbaijan Elmur Mammadov tại buổi họp báo ngày 18/7 tại Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội.
Đối với lĩnh vực dầu mỏ, Thứ trưởng Ngoại giao Mammadov chop biết, đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống của hai nước.
“Có nhiều lĩnh vực để hai nước xem xét thúc đẩy quan hệ kinh tế, nhưng lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước là năng lượng. Đây là lĩnh vực có tầm quan trọng lớn đối với Azerbaijan và Việt Nam”, - nhà ngoại giao cấp cao chính quyền Baku bày tỏ.
Ông Mammadov nhắc lại, hợp tác dầu khí giữa hai nước hiện nay chủ yếu xoay quanh mối quan hệ chặt chẽ giữa Công ty Dầu khí Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam/PVN), cũng như giữa Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn và SOCAR Trading - một công ty con của SOCAR.
“Về cơ bản có hai hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mà hai nước đang hợp tác. Thứ nhất là việc bán dầu thô và các sản phẩm từ dầu, và thứ hai là lọc dầu thường diễn ra ở Việt Nam”, - ông Mammadov nói.
Đặc biệt, cả SOCAR và SOCAR Trading đều có hợp tác về bán dầu thô ngọt nhẹ Azeri để phục vụ cho việc lọc dầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó SOCAR Trading giữ vai trò nhà giao dịch bán dầu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việt Nam tham dự cuộc họp SOM Phong trào Không liên kết tại Azerbaijan
Các dự án năng lượng và xây dựng công cộng cũng là những nội dung quan trọng được lãnh đạo hai nước bàn thảo tới. Theo nhà ngoại giao, nhu cầu tái thiết của Azerbaijan cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thời gian tới.

Vị thế của Azerbaijan có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam

Đối với lĩnh vực logistics, Thứ trưởng Mammadov cho biết, có rất nhiều cơ hội dành cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi Azerbaijan đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước bên ngoài lĩnh vực dầu khí, năng lượng.
Theo ông Elmur Mammadov, mục tiêu của Azerbaijan là trở thành điểm trung chuyển quốc tế thông qua phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, gồm cảng Baku, cảng quốc tế quy mô lớn trên biển Caspi với khả năng trung chuyển mỗi năm trên 15-25 triệu tấn hàng hóa.
Bên cạnh đó, cảng Baku cũng có thể tiếp nhận hàng hóa từ các nhà xuất khẩu châu Á, rồi chuyển đến châu Âu và ngược lại, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, hàng hóa khu vực châu Á cũng có thể qua Trung Quốc rồi tiếp đó được chuyển tới Kazakhstan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu. Vừa qua, theo VnEconomy dẫn lời nhà ngoại giao cho biết, 4 nước gồm Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Kazakhstan cũng đã ký tuyên bố về một hành lang vận tải, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hải quan, đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí.
Việt Nam quan tâm đến việc hợp tác với Azerbaijan
“Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt gần 60 tỷ USD mỗi năm”, - ông Mammadov nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Azerbaijan cũng cho rằng, Việt Nam nên xem xét tuyến vận tải hàng hoá này vì đây là cách có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời đây cũng là một tuyến đường có an ninh tốt đảm bảo cho quá trình vận chuyển hàng hóa từ điểm xuất phát tới đích đến.
“Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Azerbaijan vẫn chưa xứng tầm với mối quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước”, - theo Thứ trưởng Mammadov, do đó, ông kiến nghị, hai bên cần tận dụng dư địa hợp tác, tiếp tục thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Hà Nội – Baku lên tầm cao mới, nhất là về kinh tế, trong đó, dầu khí, xây dựng cơ sở hạ tầng và logistics là những trụ cột quan trọng.
Thảo luận