Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nếu các bị can tiếp tục bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ coi đây là hành vi từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị truy tố theo đúng quy định của pháp luật.
Đề nghị bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đầu thú
Ngay trước ngày xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã phát thông báo kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị can khác đang bỏ trốn hãy ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị 8 bị can bị truy nã trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC đến cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa, theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các bị can đang bị truy nã gồm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AIC), Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC), Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng AIC), Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường), Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên), Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội) và Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa).
Thông báo của VKSND Tối cao nêu rõ, nếu 8 bị can nói trên tiếp tục bỏ trốn, VKS xem đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ tiến hành truy tố theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hôm 23/11, như Sputnik đã thông tin, VKSND Tối cao có cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng với 33 bị can khác về các tội Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Liên quan đến vụ án này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Chiêu bài “quân xanh”, “quân đỏ” và màn hối lộ hàng loạt quan chức
Cáo trạng cho biết, năm 2003, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) đã thiết lập quan hệ với các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái, nhằm để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.
Bà Nhàn sau đó đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Công ty AIC tiếp tục thay đổi các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013, tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Điều này nhằm đảm bảo cho AIC có đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.
Bà Nhàn cũng chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng quy định.
Sau khi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Hoạt động này có nguồn tiền từ các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa giá cao với đối tác bên ngoài. Các đối tác sau đó ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.
Cũng chính bà Nhàn đã trực tiếp đưa hối lộ và chỉ đạo Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái mỗi người 14,5 tỷ đồng; đưa cho ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) 14,8 tỷ đồng. Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Bồ Ngọc Thu cũng được bà Nhàn hối lộ 1 tỷ đồng.
Như tin đưa trước đó, TAND TP. Hà Nội đã lên kế hoạch xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này sau khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan kiểm sát.
Dự kiến, phiên toà sẽ bắt đầu vào sáng 21/12, kéo dài trong 20 ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật.