Nguyên nhân khiến CPI tháng 11 của Việt Nam tăng 4,73%

HÀ NỘI (Sputnik) - Giá xăng dầu trong nước tăng sau 31 đợt điều chỉnh, giá vật liệu xây dựng tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng 10 và tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước.
Sputnik
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 8 nhóm hàng có chỉ số tăng giá, mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,23%. Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá gồm giáo dục; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm bưu chính viễn thông.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2022 tăng 4,37% với có 10 nhóm hàng tăng giá và chỉ 1 nhóm giảm giá.
Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Phương Tây đang thua xa Việt Nam về kiểm soát lạm phát, Bộ KH&ĐT làm rõ chỉ số CPI
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một số nguyên nhân làm CPI 11 tháng tăng. Cụ thể, giá xăng dầu được điều chỉnh 31 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 490 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 tăng 120 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 7.230 đồng/lít; dầu hỏa tăng 8.130 đồng/lít. Tính bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 31,76%, tác động làm CPI chung tăng 1,14 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 11 tháng năm nay tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.
Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình tăng cao; Giá nhà ở và vật liệu xây dựng 11 tháng đội lên do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cũng đã tác động đến chỉ số CPI 11 tháng.
Ngoài ra, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, giá các mặt hàng thực phẩm và giá dịch vụ giáo dục cao cũng góp phần đẩy chỉ số CPI 11 tháng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng năm 2022 tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,28 điểm phần trăm.
Sau lệnh cấm từ Nga và lạm phát kỷ lục, dân Anh, Mỹ đổ xô tìm cá tra Việt Nam thay thế
Ngược lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 11 tháng năm 2022 là giá thịt lợn giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,41 điểm phần trăm do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo.
Giá nhà ở thuê giảm 4,64% và giá bưu chính viễn thông giảm 0,38%.
Trong tháng 11, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 11/2022 tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 5,88%.
Theo Tổng cục Thống kê, giá USD trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen.
Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.855 đồng/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2022 tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 1,83%.
Thảo luận